BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh, Trưởng khoa Sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, thêm rằng theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ ngay khi chào đời và can thiệp kịp thời giúp hạn chế các biến chứng, cải thiện khả năng hồi phục.
Suy hô hấp
Phổi của thai nhi phát triển muộn trong thai kỳ. Surfactant là một trong những chất quan trọng nhất đối với sự trưởng thành của phổi, bắt đầu được sản xuất vào tuần thai 24-28, tăng dần cho đến khi đủ tháng. Trẻ sinh non thường thiếu hụt surfactant khiến các phế nang bị xẹp, gây khó khăn trong việc trao đổi khí, dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp (RDS).
Suy hô hấp xảy ra ngay sau sinh hoặc vài giờ sau sinh, thường diễn tiến nặng trong 24-48 giờ. Trẻ có biểu hiện thở nhanh, co lõm ngực, thở rên, tím. Tùy vào mức độ suy hô hấp, bác sĩ có phương pháp điều trị, hỗ trợ phù hợp như thở máy, CPAP (hỗ trợ thở không xâm lấn), thở oxy… Trẻ sinh càng non, mức độ suy hô hấp càng nặng và kéo dài, nguy cơ biến chứng loạn sản phế quản phổi hay bệnh phổi mạn.
Hạ thân nhiệt
Trẻ sinh non chưa thể tự điều hòa thân nhiệt hiệu quả, nguy cơ hạ thân nhiệt cao hơn ở trẻ dưới 34 tuần tuổi, có cân nặng lúc sinh dưới 1,8 kg. Những trường hợp này thường được chỉ định chăm sóc trong lồng ấp hoặc giường sưởi tại bệnh viện cho đến khi thân nhiệt ổn định. Phương pháp da kề da (ấp Kangaroo) cũng giúp trẻ duy trì nhiệt độ cơ thể phù hợp. Khi chăm sóc trẻ sinh non, cần đảm bảo môi trường khô ráo, nhiệt độ phòng 26-28 độ C, tránh gió lùa. Trẻ cần được giữ thân nhiệt khoảng 36,5-37 độ C.
Rối loạn chuyển hóa
Trẻ sinh non có thời gian tích lũy chất dinh dưỡng như glucose, glycogen, canxi, sắt… trong cơ thể ít hơn so với trẻ đủ tháng, nguy cơ bị hạ đường huyết, hạ canxi máu… sau sinh. Chức năng gan và thận chưa trưởng thành ở trẻ sinh non cũng có thể dẫn đến các rối loạn chuyển hóa và tích tụ các chất độc hại. Trong giai đoạn cấp tính hoặc khi trẻ không thể dung nạp đường tiêu hóa, nuôi dưỡng tĩnh mạch thường được áp dụng để cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết.
Bác sĩ khám cho trẻ sinh non trong Trung tâm Hồi sức Sơ sinh (NICU) của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Thanh Luận
Nhiễm trùng máu sơ sinh
Trẻ sinh non có nguy cơ cao nhiễm trùng huyết (nhiễm trùng máu sơ sinh). Nhiễm trùng ối gây nhiễm trùng sơ sinh sớm cũng gây sinh non. Nguyên nhân gây nhiễm trùng sơ sinh sớm (72 giờ đầu sau sinh) liên quan đến tác nhân từ mẹ. Các vi khuẩn phổ biến truyền từ mẹ sang con qua đường âm đạo bao gồm Streptococcus nhóm B (GBS), Escherichia coli, Listeria monocytogenes… Trẻ sinh non cũng dễ bị nhiễm trùng sơ sinh muộn (sau mốc 72 giờ), phần lớn do hệ thống miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, các tế bào miễn dịch và khả năng sản xuất kháng thể còn hạn chế.
Phương pháp điều trị bệnh phụ thuộc triệu chứng, mức độ nhiễm trùng, khả năng đáp ứng của trẻ. Bệnh thường diễn tiến nhanh chóng. Do đó, theo dõi sát, can thiệp kịp thời giúp cải thiện hiệu quả điều trị bệnh.
Vàng da
Vàng da là tình trạng nồng độ bilirubin (chất gây vàng da) trong máu tăng cao. Chức năng gan chưa trưởng thành ở trẻ sinh non dẫn đến khả năng chuyển hóa bilirubin kém, gây tăng bilirubin gián tiếp trong máu và vàng da. Khoảng 80% trẻ sinh non bị vàng da trong tuần đầu sau sinh, có thể là vàng da sinh lý hoặc vàng da bệnh lý, theo bác sĩ Hạnh.
Trẻ sinh non vàng da được điều trị bằng liệu pháp ánh sáng (liệu pháp quang học). Bác sĩ sử dụng đèn ánh sáng xanh đạt chuẩn y tế, không gây hại, chiếu vào da của trẻ sơ sinh. Trẻ được che mắt bảo vệ trong suốt quá trình điều trị.
Ngọc Châu
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/5-benh-thuong-gap-o-tre-sinh-non-4878601.html