Tự kỷ hoặc rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là rối loạn phát triển, ảnh hưởng đến hệ thần kinh và sức khỏe nhận thức, cảm xúc, xã hội và thể chất tổng thể. Trẻ mắc tình trạng này thường gặp khó khăn trong giao tiếp, cử chỉ, truyền đạt lời nói và thể hiện cảm xúc thông qua ngôn ngữ hoặc biểu cảm khuôn mặt.
Giao tiếp bằng mắt kém
Trẻ sơ sinh thường giao tiếp chủ yếu bằng mắt. Sau khi được khoảng hai tháng tuổi, trẻ có thể bắt đầu nhận dạng khuôn mặt. Tuy nhiên, những bé mắc tự kỷ có thể gặp khó khăn trong việc duy trì giao tiếp bằng mắt trực tiếp với người khác.
Chậm nói và nắm bắt ngôn ngữ
Trẻ sơ sinh có thể bắt đầu những âm thanh bi bô đầu tiên khi được khoảng 6 tháng tuổi. Đến giai đoạn 12-15 tháng, một số trẻ có thể nói được. Đến 18 tháng tuổi, trẻ có thể nói các từ và cụm từ khác nhau, bắt đầu tập nói các câu dài. Tuy nhiên, trẻ chậm nói hoặc đôi khi không thể nói các câu đúng ở giai đoạn sau biết đi có thể là dấu hiệu đáng lo ngại.
Phản ứng kém hoặc không phản ứng khi được gọi tên
Trẻ bắt đầu phản ứng khi được gọi tên khi được 6 tháng tuổi. Những bé mắc chứng tự kỷ có thể khó phản ứng khi người khác gọi tên hoặc thậm chí không nhận thức được mình đang được gọi.
Thiếu cử chỉ và chỉ tay
Việc ra hiệu, chỉ tay là những điều đầu tiên mà con làm trước khi nói. Trẻ tự kỷ ít làm điều này hơn, cho thấy khả năng chậm phát triển ngôn ngữ. Thông thường ba mẹ hoặc người lớn chỉ vào một thứ gì đó, ánh mắt của trẻ sơ sinh sẽ chú ý dõi theo. Tuy nhiên, sự chú ý này thường không rõ rệt hoặc không có ở trẻ tự kỷ.
Ít kỹ năng vận động thô
Trẻ tự kỷ có thể gặp khó khăn với các kỹ năng vận động thô. Điều này có nghĩa là con gặp khó khăn trong việc hiểu và phối hợp các chuyển động giữa bên trái – bên phải của cơ thể hoặc cơ bản như viết và vẽ. Các kỹ năng vận động thô khác bao gồm các chuyển động lớn hơn như đi bộ và ném đồ vật. Những điều này là do sự khác biệt về thần kinh và những thách thức trong quá trình xử lý cảm giác ở trẻ tự kỷ.
Ít thể hiện cảm xúc thông qua khuôn mặt
Trẻ mắc chứng tự kỷ thường không cười hoặc không thể hiện cảm xúc nào thông qua biểu cảm khuôn mặt.
Một số bé chậm phát triển so với bạn đồng trang lứa vẫn có một trong số các biểu hiện trên. Vì vậy, khi phát hiện con có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ, người lớn nên đưa đi khám sớm để có phương pháp đánh giá và điều trị phù hợp.
Bảo Bảo (Theo Times of India)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/6-dau-hieu-som-tre-tu-ky-4877735.html