8 thức uống giúp giảm rối loạn tiêu hóa

Trong quá trình phục hồi sau rối loạn tiêu hóa, nhất là khi có nôn ói hoặc nôn ói, người bệnh dễ bị mất nước và chất điện giải như natri, kali, dẫn đến mệt mỏi, đau đầu, hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim nhẹ. ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng, Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome, khuyên người bệnh lựa chọn thức uống giúp bù nước, điện giải, cải thiện chức năng tiêu hóa tự nhiên bên cạnh dùng thuốc theo chỉ định (nếu có).

Nước lọc ấm

Nước lọc ấm giúp cơ thể duy trì cân bằng dịch và hỗ trợ đào thải độc tố. Uống nước từ từ từng ngụm nhỏ để làm dịu cơ trơn của ruột, giảm co thắt và cảm giác đau âm ỉ ở bụng. Đây là cách đơn giản nhưng quan trọng trong những ngày tiêu hóa có vấn đề.

Nước chanh pha loãng

Nước chanh giàu axit citric tự nhiên, điều chỉnh độ pH dạ dày và hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Pha một lượng nhỏ nước cốt chanh với nước ấm và uống sau bữa ăn có thể giảm đầy hơi. Tuy nhiên, người bệnh không dùng nước chanh khi bụng đang trống rỗng hoặc bị viêm loét dạ dày tá tràng.

Uống trà gừng ấm giảm cảm giác buồn nôn, khó tiêu. Ảnh: Phương Phạm

Trà gừng

Gừng chứa các hoạt chất sinh học như gingerol và shogaol, có tác dụng chống viêm, hỗ trợ nhu động ruột và giảm co thắt dạ dày. Uống một tách trà gừng ấm có thể giảm cảm giác buồn nôn, khó tiêu, nhất là sau bữa ăn nhiều dầu mỡ. Người bị rối loạn tiêu hóa nên uống trà gừng vừa phải và tránh lúc đói để không kích thích dạ dày quá mức.

Nước điện giải (ORS)

Tiêu chảy nhiều lần hoặc nôn kéo dài khiến cơ thể mất nước, thiếu hụt nghiêm trọng chất các điện giải quan trọng. Dung dịch bù điện giải ORS hỗ trợ khôi phục cân bằng nội môi, ngăn ngừa biến chứng do mất nước. Nước điện giải có bán tại các nhà thuốc. Bác sĩ Duy Tùng lưu ý người bệnh pha theo đúng tỷ lệ hướng dẫn, dùng từng ngụm nhỏ trong ngày.

Nước gạo rang

Đây là thức uống quen thuộc, thường được dùng trong giai đoạn cơ thể suy yếu. Tinh bột từ gạo sau khi nấu chín hoặc rang chín dễ tiêu hóa đồng thời cung cấp năng lượng cho cơ thể. Ngoài uống nước gạo rang, ăn một bát cháo loãng có cà rốt, bí đỏ hoặc gừng làm dịu niêm mạc ruột, giảm cảm giác quặn bụng mà không gây kích ứng.

Sữa chua uống probiotic

Probiotic như lactobacillus và bifidobacterium có khả năng ức chế vi khuẩn có hại, hỗ trợ cân bằng hệ vi sinh đường ruột và cải thiện tiêu hóa sau đợt dùng kháng sinh hoặc rối loạn tiêu hóa kéo dài. Người không bị bất dung nạp lactose có thể chọn sữa chua uống chứa men sống để sử dụng.

Nước ép táo, cà rốt

Cả táo và cà rốt đều chứa pectin – loại chất xơ hòa tan có khả năng làm dịu ruột, điều hòa nhu động, giảm phân lỏng. Vitamin C từ táo và beta-carotene trong cà rốt còn tăng cường miễn dịch, góp phần làm lành niêm mạc tiêu hóa. Ưu tiên nước ép tươi, không đường hoặc đường vừa phải.

Khi bị rối loạn tiêu hóa, bác sĩ Duy Tùng lưu ý người bệnh tránh sử dụng thức uống chứa caffeine như cà phê, trà đặc, nước có gas, rượu bia hoặc nước trái cây đóng chai nhiều đường vì có thể khiến triệu chứng trầm trọng hơn. Nếu tiêu chảy, nôn ói kéo dài trên hai ngày, kèm sốt, tiểu ít hoặc dấu hiệu mất nước nghiêm trọng, người bệnh cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Phương Phạm

Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/8-thuc-uong-giup-giam-roi-loan-tieu-hoa-4913397.html