Men gan là hệ thống các enzym hoàn chỉnh nằm trong tế bào gan do gan sản xuất. Chỉ số men gan tăng 1-4 lần so với bình thường là mức độ nhẹ. Chỉ số này tăng gấp 5-10 hoặc hơn báo hiệu những yếu tố gây hại đến gan, trẻ cần được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Trẻ nhỏ hay người lớn đều có thể bị tăng men gan. Tăng men gan ở trẻ thường không gây ra các triệu chứng rõ ràng, nhất là ở giai đoạn đầu. Men gan tăng cao thường là dấu hiệu của bệnh gan ở trẻ. Các triệu chứng có thể bao gồm vàng da (da và mắt có màu vàng), chướng bụng dù trẻ không ăn gì, sưng cánh tay hoặc chân, nôn mửa, tiêu chảy.
Trẻ thường xuyên xuất hiện các vết bầm tím, dễ chảy máu và chảy máu lâu hơn bình thường, đau nhức tay chân không rõ nguyên nhân. Nhiều trường hợp, trẻ đi ngoài ra phân đen hoặc phân có máu. Tăng men gan ở trẻ dễ gây sốt, có thể sốt trên 38, 39 độ C kèm theo phát ban bất thường.
Nồng độ men gan tăng cao ở trẻ em có thể do ảnh hưởng của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Gan nhiễm mỡ ở trẻ nhỏ nếu không được điều trị có thể dẫn đến xơ gan (sẹo) và suy gan. Các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến gan bao gồm thuốc điều trị rối loạn thiếu chú ý hoặc tăng động, thuốc kháng sinh, thuốc chống co giật, thuốc giảm đau. Trẻ bị nhiễm trùng do virus cảm lạnh, cúm, có thể làm tăng tạm thời nồng độ men gan.
Một số nguyên nhân gây tăng men gan ở trẻ ít phổ biến hơn như viêm gan tự miễn (AIH), viêm gan B và C, các bệnh về ống mật như hẹp đường mật, u nang ống mật chủ hoặc tắc nghẽn ống mật do sỏi mật hoặc viêm tụy…
Men gan cao có thể được phát hiện khi trẻ khám sức khỏe định kỳ có xét nghiệm máu. Phụ huynh nên cho con đi khám nếu trẻ đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy hoặc vàng da không rõ nguyên nhân. Bác sĩ có thể chỉ định trẻ làm các xét nghiệm gan để so sánh nồng độ men gan ALT và AST với phosphatase kiềm (AP), chỉ số liên quan đến gan như bilirubin, albumin. Các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp kiểm tra gan, cũng có thể được bác sĩ chỉ định trong trường hợp cần thiết.
Điều trị tăng men gan phụ thuộc vào nguyên nhân. Thông thường men gan tăng cao do trẻ nhiễm virus tự hết mà không cần điều trị. Khi hết ốm, nồng độ men trở lại bình thường. Nếu tình trạng men gan tăng cao là do nguyên nhân nghiêm trọng hơn, phương pháp điều trị có thể bao gồm dùng thuốc, phẫu thuật…
Các biến chứng có thể xảy ra do tăng men gan không được kiểm soát gồm xơ gan (mô sẹo ở gan), tích tụ chất lỏng và sưng ở bụng (cổ trướng), vàng da nặng, suy gan… Phụ huynh nhận thấy con có một trong những dấu hiệu bất thường, nghi ngờ tăng men gan nên cho trẻ đi khám sớm, tránh để lâu có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Anh Chi (Theo MayoClinic, WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh gan tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/dau-hieu-tang-men-gan-o-tre-4875588.html