Tỉ giá USD/VNĐ liên tục tăng nóng những ngày qua. Đến ngày 25-4, giá USD ở các ngân hàng (NH) thương mại đã lên mức kỷ lục, khi giá mua vào được đẩy lên 25.805 đồng/USD và bán ra ở mức 26.195 đồng/USD, tăng thêm 20 đồng/USD so với hôm trước. Tỉ giá trung tâm tại NH Nhà nước (NHNN) cũng vọt 24.948 đồng/USD, cao nhất từ trước đến nay.
Lo tác động từ chính sách thuế quan
Diễn biến bất thường của tỉ giá đã làm nóng hội nghị đối thoại với chủ đề “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu về lĩnh vực NH” diễn ra cùng ngày.
Sự kiện do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp cùng NHNN Chi nhánh Khu vực 2 tổ chức trong bối cảnh chính sách thuế quan của Mỹ đối với các nước, trong đó có Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Khu vực 2, nhận định dù chính quyền Mỹ công bố mức thuế cao đối với Việt Nam (46%) nhưng đang trong thời gian đàm phán nên chưa áp dụng ngay. Vì vậy, NHNN tổ chức hội nghị để chủ động lắng nghe, trao đổi để cùng nắm bắt khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn dịch vụ NH. Các DN cũng có thể chia sẻ những kế hoạch, dự báo sắp tới, bởi thuế quan sẽ tác động trực tiếp đối với một số ngành xuất khẩu, nhất là các DN xuất khẩu đi Mỹ.
“Xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Vì vậy, việc hỗ trợ DN xuất khẩu luôn được NH Nhà nước ưu tiên. Trong trường hợp vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, NH Nhà nước sẽ tổng hợp và kiến nghị lên cấp có thẩm quyền. Còn đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực giao dịch, tín dụng và dịch vụ NH, đơn vị sẽ chủ động tháo gỡ trong phạm vi chức năng, với mục tiêu tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho DN” – ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh.

Rất đông các doanh nghiệp tham gia buổi đối thoại với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh khu vực 2 vào sáng 25-4
Ông Phạm Văn Vĩnh, Giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế, hải quan, Công ty Kiểm toán PwC, cho biết các DN đang rất trông chờ và kỳ vọng vào nỗ lực đàm phán của Chính phủ.
Vậy, các kịch bản có thể xảy ra sau ngày 9-7 (hết thời hạn 90 ngày) là gì? Việt Nam có thể đàm phán giữ thuế hoặc tăng lên mức nào? Các DN xuất khẩu rất quan tâm đến bối cảnh vĩ mô, nhất là khi tăng trưởng kinh tế năm nay đặt mục tiêu cao…
Ông Bill Nguyễn, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty Cainver (chuyên về xuất khẩu gỗ), nói hiện tại nhiều DN xuất khẩu đang đối diện với nhiều khó khăn, vừa tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động, vừa lo tỉ giá USD/VNĐ tăng và gần nhất là lo thuế đối ứng 46% áp với hàng hóa xuất khẩu qua Mỹ.
“Trải qua COVID-19, các DN vẫn trụ lại được và đang phục hồi nhưng tới đợt thuế đối ứng lần này thì rất lo lắng. Hiện không ít bạn hàng lớn đang đàm phán lại, yêu cầu giảm giá đơn hàng, thay đổi phương thức thanh toán, yêu cầu mở thư tín dụng nâng lên 90-120 ngày… Nhưng không phải DN nào cũng có kỹ năng đàm phán. Không ít NH nước ngoài đã tiếp cận chúng tôi chào bán các gói dịch vụ để giảm thiểu rủi ro” – ông Bill Nguyễn băn khoăn.
Luôn đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ
Một số DN kiến nghị NH Nhà nước ổn định tỉ giá để hỗ trợ cả xuất khẩu và nhập khẩu. Bởi dù xuất khẩu nhiều nhưng các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ vẫn chủ yếu là gia công, nhập nhiều nguyên vật liệu về rồi xuất khẩu đi các nước.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỉ giá, lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là một trong những giải pháp được NH Nhà nước ưu tiên thời gian qua. “Ổn định” ở đây còn hiểu là biến động trong phạm vi hợp lý, khi đồng USD tăng giá, các đồng nội tệ khác mất giá thì việc điều chỉnh tỉ giá USD/VNĐ biến động với biên độ hợp lý, hài hòa trong mối quan hệ với lãi suất, tăng trưởng kinh tế.
“Trong 4 tháng đầu năm, giá vàng biến động mạnh nhưng thị trường ngoại hối vẫn ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Đặc biệt, đối với DN xuất nhập khẩu, mọi nhu cầu ngoại tệ hợp pháp đều được ngành NH đáp ứng đủ, mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất” – ông Nguyễn Đức Lệnh nói.
Không chỉ vay ngoại tệ với lãi suất ưu đãi, các DN xuất khẩu cũng được vay vốn ngắn hạn bằng VNĐ với lãi suất thấp, không quá 4%/năm. NH Nhà nước cũng đã triển khai nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận vốn; các gói tín dụng ưu đãi như cho vay lâm sản, thủy sản (bao gồm cả DN xuất khẩu và hộ nuôi trồng thủy sản)…
Cũng liên quan đến kiểm soát và ổn định tỉ giá, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực nhận định giá USD trong nước tăng chủ yếu do NHNN chủ động điều chỉnh tăng giá bán ngoại tệ.
Chấp nhận một mức biến động mạnh hơn của tỉ giá, trong khi vẫn duy trì lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo ông, mức tăng này vẫn trong tầm kiểm soát nhờ nguồn cung ngoại tệ ổn định từ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), du lịch quốc tế, thặng dư thương mại và đồng USD trong xu hướng giảm giá.
Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/doanh-nghiep-lo-ti-gia-tang-qua-nhanh-196250425213316149.htm