Viêm phổi do vi khuẩn phế cầu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Song nhóm người có nguy cơ cao hơn gồm trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, người già trên 65 tuổi do hệ miễn dịch suy giảm theo tuổi tác, người có bệnh nền mạn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh phổi, ung thư (có thể bao gồm cả người trẻ tuổi, người có thói quen sống không lành mạnh như hút thuốc lá, nghiện rượu…
Triệu chứng
Vi khuẩn phế cầu xâm nhập vào phổi gây viêm, tích tụ dịch và mủ trong phế nang, khiến người bệnh khó thở, ho, sốt cao và mệt mỏi. Viêm phổi do phế cầu ở trẻ nhỏ có thể khởi phát âm thầm hoặc dễ nhầm với cảm cúm thông thường. Trẻ có thể bị sốt cao, ho, thở gấp, bỏ bú, mệt mỏi, quấy khóc, ngủ li bì. Hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu nên nếu không phát hiện sớm và điều trị bệnh đúng cách có thể để lại biến chứng kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất và trí não. Để đảm bảo an toàn, khi trẻ xuất hiện một dấu hiệu như ho, sốt hoặc bỏ bú, phụ huynh nên đưa con đi khám sớm.
Đối với người trưởng thành, người cao tuổi, triệu chứng phổ biến là sốt cao, ớn lạnh, ho có đờm hoặc máu, đau ngực khi thở sâu, khó thở.
Nhận diện sớm các dấu hiệu viêm phổi do phế cầu ở hai nhóm tuổi này có thể tránh bệnh tiến triển nặng, hạn chế biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng
Điều trị viêm phổi do phế cầu chậm trể có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, làm suy giảm nghiêm trọng sức khỏe của người bệnh. Một số biến chứng thường gặp bao gồm tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng ngoài tim, viêm màng não, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm nội nhãn, viêm phúc mạc…
Bệnh tiến triển nhanh, tiềm ẩn nguy cơ lây lan cao, do đó, cần đặc biệt lưu ý trong quá trình theo dõi và điều trị.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn, điều đầu tiên là cần có biện pháp hạn chế nguy cơ lây nhiễm phế cầu khuẩn. Tiêm vaccine phòng phế cầu khuẩn giúp cơ thể tạo kháng thể bảo vệ, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Mọi người cần tránh tiếp xúc với các yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm phế cầu khuẩn. Vệ sinh sạch sẽ tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi sờ vào các bề mặt công cộng, không hút thuốc lá và tránh khói thuốc thụ động, giữ khoảng cách với người có dấu hiệu bệnh hô hấp, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người. Những biện pháp này giảm nguy cơ ngăn ngừa mắc viêm phổi và nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/suc-khoe/cam-nang/viem-phoi-do-phe-cau-317