Có phải bệnh phổi mạn tính gây suy tim không? Hồng Anh (37 tuổi, Ninh Bình)
Trả lời:
Bố bạn là trường hợp điển hình mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) gây biến chứng tim mạch. Dù COPD là bệnh đường hô hấp nhưng không được kiểm soát tốt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tim, nhất là tim phải – buồng tim đảm nhận nhiệm vụ bơm máu lên phổi để trao đổi khí.
Khi phổi tổn thương do COPD, phế nang và mao mạch quanh phế nang cũng bị ảnh hưởng, cản trở lưu thông máu qua phổi. Tim phải, vốn chịu trách nhiệm bơm máu vào tuần hoàn phổi, buộc phải hoạt động với áp lực cao hơn để vượt qua trở ngại này. Việc phải tăng áp lực trong thời gian dài khiến buồng tim phải giãn ra và suy yếu dần.
Biểu hiện rõ ràng nhất của suy tim phải là phù chân (phù mềm, ấn lõm), tĩnh mạch cổ nổi, gan to, có thể kèm theo tràn dịch màng bụng hoặc màng phổi trong giai đoạn muộn. Đây là biến chứng gọi là tâm phế mạn, thường xuất hiện ở bệnh nhân COPD lâu năm, nhất là người cao tuổi.
Bệnh tim trong tâm phế mạn không xuất phát từ bệnh lý tim mạch nguyên phát mà là hậu quả thứ phát do tăng áp lực trong tuần hoàn phổi kéo dài. Do đó, một người không có tiền sử tim mạch như bố bạn vẫn có thể suy tim do COPD.
Để xác định mức độ tổn thương tim phải, bác sĩ chỉ định siêu âm tim, đo áp lực động mạch phổi hoặc dùng ống thông tim trong một số trường hợp. Điều trị cần phối hợp cả thuốc giãn phế quản, thuốc lợi tiểu, hỗ trợ hô hấp, kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây các đợt bệnh cấp.
Gia đình nên đưa bác đến chuyên khoa Hô hấp và Tim mạch để được theo dõi song song, đánh giá chức năng tim phổi định kỳ. Kiểm soát COPD không chỉ giúp cải thiện hô hấp mà còn giảm gánh nặng lên tim, phòng ngừa suy tim tiến triển nặng.
TS.BS Nguyễn Quang Đợi
Phó khoa Hô hấp
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-co-gay-suy-tim-4913338.html