Bị tràn dịch màng phổi làm thế nào nhanh phục hồi?

Trả lời:

Dưới đây là lưu ý cho bạn khi chăm sóc mẹ tại nhà.

Nâng cao thể trạng: Chuẩn bị những bữa ăn đủ dinh dưỡng, giàu protein và vitamin để đảm bảo cho người bệnh đủ năng lượng, tăng cường sức đề kháng. Khuyến khích và đồng hành cùng mẹ thực hiện các bài tập thở thường đã được bác sĩ hướng dẫn.

Nghỉ ngơi phù hợp: Giữ không gian yên tĩnh, thông thoáng để người bệnh có thể nghỉ ngơi được nhiều hơn. Người bệnh nên kê cao đầu từ 20 đến 40 độ so với thân, ưu tiên nằm nghiêng về phía bị tràn dịch màng phổi.

Giảm lo lắng: Tạo điều kiện thuận lợi để mẹ của bạn không phải gắng sức, khuyến khích mẹ chia sẻ và lắng nghe những khó khăn đang gặp phải.

Tuân thủ chỉ định dùng thuốc: Người bệnh tràn dịch màng phổi cần sử dụng thuốc giảm đau, kháng sinh và các biện pháp hỗ trợ khác theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý sử dụng thuốc ngủ hay các loại thuốc khác không được kê đơn bởi bác sĩ điều trị chính.

Một người phụ nữ mắc bệnh phổi được điều dưỡng chăm sóc tại viện. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Theo dõi tình trạng sức khỏe: Bạn nên thường xuyên theo dõi sức khỏe của mẹ như hỏi về tình trạng bệnh,ví dụ có đau ngực không, vị trí đau, mức độ, khi đổi tư thế nằm hoặc ngồi có đau không. Nếu cơn đau ngực trở nên dữ dội, không giảm khi nghỉ ngơi, khó thở, thở gấp hoặc hụt hơi kéo dài là dấu hiệu nguy hiểm, người bệnh cần nhập viện gấp. Tình trạng tím tái, xanh xao ở môi và da cho thấy đang thiếu oxy. Người bệnh bị ho lâu ngày, ho khan, ho có nhiều đờm, ho ra máu không giảm cũng cần đến viện khám.

Người bệnh nên đo nhiệt độ, huyết áp thường xuyên. Theo dõi màu sắc da, các tổn thương trên da, dấu hiệu nhiễm trùng, mức độ sưng phù tại tay chân hoặc các vùng khác giúp kịp thời phát hiệu dấu hiệu và điều trị phù hợp.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Duy Hưng
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/bi-tran-dich-mang-phoi-lam-the-nao-nhanh-phuc-hoi-4878659.html