Biến chứng tiền sản giật ở mẹ và thai nhi

Tiền sản giật thường xuất hiện sau tuần thai thứ 20, triệu chứng là huyết áp cao mới khởi phát kèm theo tổn thương ít nhất một hệ cơ quan khác, phổ biến là thận, gan.

ThS.BS Lê Nhất Nguyên, Trưởng khoa Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh – Quận 8, cho biết bất kỳ phụ nữ mang thai nào cũng có thể mắc tiền sản giật, song người từng bị tiền sản giật ở lần mang thai trước hoặc mang thai lần đầu (con so), có tiền sử gia đình mẹ hoặc chị, em gái ruột từng mắc bệnh, béo phì… thường có nguy cơ cao hơn. Nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát chặt chẽ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Đối với mẹ bầu

Sản giật là biến chứng nguy hiểm nhất, xảy ra khi tiền sản giật tiến triển thành co giật toàn thân, tương tự cơn động kinh. Sản giật có thể xảy ra trước, trong hoặc sau khi sinh, có nguy cơ cao gây tổn thương não vĩnh viễn, suy hô hấp, hôn mê và tử vong ở thai phụ.

Hội chứng HELLP bao gồm bộ ba triệu chứng. Tan máu (Hemolysis) gây vỡ tế bào hồng cầu, dẫn đến thiếu máu và vàng da. Tăng men gan (Elevated Liver enzymes – EL) là dấu hiệu gan bị tổn thương nghiêm trọng, có thể dẫn đến đau bụng dữ dội vùng hạ sườn phải, buồn nôn, nôn, tụ máu trong gan hoặc vỡ gan. Giảm tiểu cầu (Low Platelet count – LP) khiến thai phụ có nguy cơ cao bị chảy máu không kiểm soát được, nhất là khi sinh hoặc phẫu thuật.

Nhau bong non là tình trạng bánh nhau (cung cấp dinh dưỡng và oxy cho thai) bị tách ra khỏi thành tử cung trước khi trẻ chào đời gây chảy máu ồ ạt bên trong tử cung, có thể dẫn đến sốc mất máu cho mẹ và suy thai cấp hoặc tử vong thai nhi do thiếu oxy.

Tổn thương cơ quan đích cấp tính và mạn tính bao gồm suy thận cấp, phù phổi cấp, tổn thương não, gan.

Rối loạn đông máu (DIC) xảy ra khi hệ thống đông máu bị kích hoạt quá mức, tạo cục máu đông nhỏ rải rác làm tắc mạch, tiêu thụ hết yếu tố đông máu, tiểu cầu, dẫn đến chảy máu ở nhiều nơi.

Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch như tăng huyết áp mạn tính, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột quỵ, bệnh thận trong những năm sau sinh ở phụ nữ bị tiền sử tiền sản giật.

Thai phụ nên đảm bảo chế độ dinh dưỡng làm mạnh suốt thai kỳ để tránh nguy cơ tiền sản giật. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Đối với thai nhi

Thai chậm tăng trưởng trong tử cung. Tiền sản giật làm giảm lưu lượng máu và dinh dưỡng đến bánh nhau, khiến thai nhi không thể phát triển tối ưu. Trẻ sinh ra nhỏ hơn so với tuổi thai, yếu ớt hơn.

Sinh non, nhất là trước 34-37 tuần, khiến trẻ phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ như suy hô hấp, nhiễm trùng, xuất huyết não, vàng da, khó khăn trong nuôi dưỡng và các vấn đề phát triển thần kinh, thị giác, thính giác lâu dài.

Thiểu ối tức lượng nước ối giảm do suy giảm chức năng bánh nhau, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển phổi và chèn ép dây rốn.

Suy thai cấp do thai nhi bị thiếu oxy nghiêm trọng do nhau bong non hoặc suy giảm chức năng bánh nhau nặng, biểu hiện qua nhịp tim thai bất thường, đòi hỏi phải can thiệp lấy thai khẩn cấp.

Thai lưu là những trường hợp tiền sản giật rất nặng, không được kiểm soát hoặc có biến chứng nghiêm trọng như nhau bong non, thai nhi có thể tử vong trong bụng mẹ.

Bác sĩ Nguyên lưu ý không thể ngăn ngừa hoàn toàn tiền sản giật. Thai phụ nên khám thai định kỳ đầy đủ và đúng lịch. Đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và theo dõi dấu hiệu khác tại mỗi lần khám giúp phát hiện sớm những thay đổi bất thường. Bên cạnh đó, thai phụ cần quản lý tốt các bệnh lý nền như cao huyết áp mạn tính, đái tháo đường, bệnh thận… Phụ nữ nên duy trì lối sống lành mạnh để kiểm soát cân nặng trước khi mang thai, ăn uống cân bằng, đủ dinh dưỡng, giảm muối, hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, tập thể dục nhẹ nhàng.

Thai phụ bị đau đầu, bụng dữ dội kéo dài, thay đổi thị lực (nhìn mờ, nhìn thấy đốm sáng, nhạy cảm ánh sáng), buồn nôn, khó thở, phù đột ngột ở mặt và tay chân, tăng cân quá nhanh… nên đi khám ngay.

Đình Lâm

Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/bien-chung-tien-san-giat-o-me-va-thai-nhi-4876769.html