Con trẻ thường xuyên cãi lại cha mẹ: Lỗi tại ai?

“Tôi chỉ nhắc nhẹ con gái là nên học bài sớm, con liền bật lại: “Mẹ đừng nói nữa, con biết rồi!”. Nói xong, nó đóng sập cửa phòng lại”- chị Trần Thị Bích Ngọc (quận 7 TP HCM) chia sẻ với vẻ buồn rầu. Cũng theo chị, chuyện con gái cáu gắt mỗi khi bị nhắc nhở đã trở nên thường xuyên, khiến chị rất đau đầu, nhiều lúc không muốn nói chuyện nữa.

Không đơn thuần là… hỗn

Không riêng chị Ngọc, nhiều phụ huynh cũng đang rơi vào tình trạng bất lực, khi con cái thường xuyên lớn tiếng, tranh luận tay đôi, thậm chí “lên giọng” như người lớn. Không ít người thở dài: “Trẻ con bây giờ khó dạy quá”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, việc trẻ cãi lại không hẳn là biểu hiện của sự vô lễ. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, hoặc đơn giản là muốn được lắng nghe, được thấu hiểu theo cách riêng của mình.

Nhiều phụ huynh nhầm tưởng việc lặp lại lời nhắc, áp đặt mệnh lệnh là cách tốt để giáo dục. Nhưng thực tế, điều này khiến trẻ cảm thấy bị kiểm soát và mất quyền tự chủ. Trẻ sẽ phản ứng bằng cách… bật lại để khẳng định cái tôi, nhất là ở lứa tuổi dậy thì, giai đoạn có nhiều biến động về tâm sinh lý.

Con trẻ thường xuyên cãi lại cha mẹ: Lỗi tại ai?- Ảnh 1.

Một điều cần lưu ý là khi cha mẹ thường xuyên tranh cãi, la mắng nhau, hoặc có hành vi tiêu cực như chửi thề, thiếu kiềm chế trong giao tiếp, trẻ dễ học theo cách ứng xử đó. Một đứa trẻ sống trong gia đình có bầu không khí căng thẳng sẽ dễ phát triển phản xạ phòng vệ bằng lời nói, hoặc ngược lại là im lặng, tách biệt.

Ngoài ra, trẻ em ngày nay phải học nhiều, chịu áp lực thành tích từ trường lớp, thầy cô và cha mẹ. Khi trở về nhà, nếu không nhận được sự chia sẻ, lắng nghe từ người thân mà tiếp tục bị soi xét, trách mắng, trẻ sẽ dần hình thành “vỏ bọc” phòng vệ bằng thái độ lạnh nhạt, cãi lời hoặc chống đối.

Thấu hiểu và đồng hành

Đừng nghĩ việc trẻ cãi lại là điều cấm kỵ không thể tha thứ. Hãy xem đó là cơ hội để hiểu trẻ đang nghĩ gì, muốn gì. Câu nói: “Con đừng cãi mẹ!” nên được thay bằng: “Con đang thấy điều gì không ổn? Nói cho mẹ nghe nhé”.

  • Những ứng dụng giúp cha mẹ kiểm soát con xem điện thoại, TV trong kỳ nghỉ hè

  • Cha mẹ làm gì khi con yêu sớm?

Trẻ cần học cách bày tỏ ý kiến một cách văn minh. Cha mẹ có thể đặt quy tắc con được nói nhưng phải giữ lễ phép và chính cha mẹ cũng phải là người gương mẫu trong cách dùng từ, ngữ điệu khi tranh luận với con.

Lưu ý thay vì áp đặt, hãy trao quyền lựa chọn có giới hạn cho con. Ví dụ: “Con muốn học bài lúc 6 giờ hay 7 giờ?”, hoặc “Mẹ để con tự lên lịch học cuối tuần, rồi mẹ và con cùng xem lại”. Hãy đồng hành cùng con trong các hoạt động như nấu ăn, xem phim, đọc sách, thể thao… Một mối quan hệ gần gũi sẽ giúp con dễ lắng nghe và chia sẻ hơn khi gặp khó khăn.

ACR: Khi cha mẹ học cách lắng nghe, thay vì quát mắng; học cách đồng hành, thay vì áp đặt thì những “cuộc khẩu chiến” trong gia đình sẽ giảm dần, nhường chỗ cho sự thấu hiểu và gắn kết.

Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/con-tre-thuong-xuyen-cai-lai-cha-me-loi-tai-ai-196250418141221658.htm