Cuộc thi chạy ‘không hoàn hảo’ của robot hình người

Cuối tuần qua, hơn 12.000 runner cùng 21 robot hình người cùng tập trung tại Nhất Trang, Bắc Kinh để tham dự giải chạy bộ Beijing E-Town Half Marathon 2025. Lần đầu tiên, một giải chạy có sự tham gia của cả con người và robot. Theo TechCrunch, đây cũng là sự kiện cho thấy sự tiến bộ của lĩnh vực robot hình người tại Trung Quốc, sau màn múa mãn nhãn của robot Unitree trong lễ hội mùa xuân đón Tết Nguyên Đán diễn ra đầu năm nay.

Điều kiện để robot hình người tham dự là có thể đi được bằng hai chân, không trang bị bánh xe, kích thước tùy ý. Các công ty tham dự năm nay đều khá nổi tiếng về lĩnh vực robot ở Trung Quốc, gồm Unitree Robotics, UBTech, DroidUP, Noetix Robotics, Leju Robotics hay Trung tâm Đổi mới Robot hình người Bắc Kinh (X-Humanoid).

Cuộc thi chạy 'không hoàn hảo' của robot hình người

 
 
Cuộc thi chạy ‘không hoàn hảo’ của robot hình người

Một số robot hình người tham gia chạy bộ được khán giả ghi lại. Video: X/The Humanoid Hub

Trước khi bắt đầu, các đơn vị sản xuất đứng sau cũng đã “trang trí” cho robot của mình ngoại hình bắt mắt hoặc thông điệp riêng. Một số được mang giày chạy bộ, đeo găng tay đấm bốc, đeo băng đô hoặc tạo hình nữ giới. Mỗi robot đều có hai đến ba người đi kèm, chủ yếu là điều hướng nếu đi sai đường, hoặc thay pin mới.

Nhưng ngay ở vạch xuất phát, sự cố đã xảy ra. Đoạn video do khán giả ghi lại và đăng trên X cho thấy một robot đã ngã ngay khi vừa chạy, trong khi một robot khác tên Shennong bất ngờ tăng tốc, xoay hai vòng đâm vào lan can và hất người điều khiển xuống đất. WSJ cũng ghi nhận robot tên Huanhuan chạy sai hướng, sau đó ngồi xuống đất và không đứng lên.

Hầu hết robot hình người tham gia cuộc đua không thể trụ lại lâu. Mỗi cỗ máy đều phát sinh sự cố riêng, phổ biến nhất là vấn đề quá nhiệt do chạy dưới trời nắng, lỗi phần mềm, thậm chí một số linh kiện trên cơ thể robot rơi rụng. “Băng keo được chứng minh là công cụ giải quyết vấn đề hiệu quả nhất”, Wired bình luận. “Không chỉ trở thành thứ để bọc chân và làm giày tạm thời cho robot, nó còn sử dụng nó để gắn lại đầu robot mỗi khi rơi ra trong khi chạy, tạo ra một số cảnh hài hước”.

Việc các robot được điều khiển thay vì tự hành cũng khiến cuộc đua trở nên “phức tạp” trong mắt khán giả. “Tôi cảm thấy nó giống với cuộc đua xe điều khiển từ xa hơn, ngoài việc robot không có bánh xe”, một người nói với SFGate.

Còn theo TechCrunch, vào cuối cuộc đua, khán giả bắt đầu nhận thấy những người vận hành kiệt sức khi chạy theo robot hình người. Thực tế, trong suốt quãng đường hơn 21 km, họ liên tục điều hướng, thay pin, đổ chất lỏng lên thân robot để làm mát.

Chỉ có 4 robot hoàn thành cuộc đua, trong đó về đích đầu tiên là Tiangong Ultra của X-Humanoid với 2 giờ 40 phút. Trong khi đó, VĐV là con người về nhất với thành tích 1 giờ 2 phút. Theo Interesting Engineering, trong suốt quãng đường, robot này luôn duy trì tốc độ 10 km/h, có lúc tăng tốc 12 km/h.

“Tôi không có ý khoe khoang, nhưng tôi nghĩ không có công ty robot nào khác ở phương Tây có thể sánh được với thành tích thể thao của Tiangong”, Tang Jian, Giám đốc công nghệ của X-Humanoid nói với Reuters sau cuộc đua. Ông thêm rằng robot này chỉ thay pin ba lần trong suốt quãng đường.

Dù vậy, Tiangong Ultra cần rất nhiều “trợ lực” của con người mới giành chiến thắng. Cụ thể, một người chạy trước với thiết bị phát tín hiệu trên lưng, cho phép robot bắt chước chuyển động. Những robot khác chủ yếu được người chạy cạnh chúng điều khiển.

Một robot bị té ngã khi chạy half marathon ở Bắc Kinh ngày 19/4. Ảnh: AP

Theo luật chạy marathon, thời gian chậm nhất cho phép với runner trong cuộc đua half marathon là 3 giờ 10 phút. Tuy nhiên, ngoài Tiangong Ultra, 4 robot cán đích đều vượt ngoài mốc thời gian kể trên, với khoảng 4 giờ. Đồng nghĩa, đây là robot duy nhất đủ điều kiện nhận giải thưởng.

Theo Alan Fern, giáo sư robot tại Đại học bang Oregon, có thể xem cuộc đua là buổi trình diễn công nghệ robot hình người Trung Quốc, cho thấy nước này đã tiến xa thế nào ở lĩnh vực này. “Nếu như 5 năm về trước, hầu hết chúng ta chưa biết cách để làm robot đi lại bằng hai chân, giờ đây chúng đã có thể chạy”, Fern nói với Wired.

Tuy nhiên, ông Fern cũng cho rằng cuộc đua không có nhiều “đột phá về AI” do vẫn sử dụng con người điều khiển – thứ đã được trình diễn cách đây 5 năm. “Nhìn chung, đây là những cuộc trình diễn thú vị, nhưng chúng không chứng minh được nhiều về tính hữu ích hoặc tính ứng dụng của bất kỳ loại trí thông minh cơ bản nào”, ông nói.

Cũng theo chuyên gia này, các tính năng như chạy bộ, đấu võ, khiêu vũ… có thể tạo cảm giác thú vị và bắt mắt, nhưng robot hình người cần được huấn luyện cho các mục đích cụ thể hơn, xử lý các nhiệm vụ trong thế giới thực tốt hơn. “Tôi hy vọng sẽ thấy các công ty robot hình người Trung Quốc sớm chuyển sang tập trung cho các tính năng hữu ích ngay trong năm nay, bởi mọi người sẽ nhanh chán nhảy múa và karate”, ông nói thêm.

Dù vậy, cuộc đua cũng được đánh giá là thành công nếu xét về khả năng phô diễn công nghệ. Times of India, Newsweek ca ngợi sự kiện này “làm nên lịch sử”, trong khi CNN hài hước nhận xét rằng “con người ít nhất vẫn chiếm ưu thế trước robot khi nói đến chạy bộ”.

“Dù tỷ lệ hoàn thành đường đua chỉ khoảng 30%, cả vận động viên, khán giả lẫn dư luận đều phấn khích”, Global Times bình luận. “Đằng sau cuộc đua robot ‘không hoàn hảo’ này là bầu không khí trưởng thành về sự khoan dung, thấu hiểu và chấp nhận thất bại – thứ đã phát triển trong xã hội Trung Quốc kể từ khi hướng tới ngành công nghiệp công nghệ cao cách đây hàng chục năm, tạo động lực để bồi dưỡng và khuyến khích các chủ thể liên tục đổi mới, liên tục phát huy động lực. Chặng đua đầu tiên này có giá trị hơn nhiều so với huy chương”.

Bảo Lâmtổng hợp

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/cuoc-thi-chay-khong-hoan-hao-cua-robot-hinh-nguoi-4876743.html