Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 19/4 cho biết ngành Công nghệ bán dẫn của trường Đại học Khoa học Tự nhiên sẽ xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT ở các tổ hợp: A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), A02 (Toán, Lý, Sinh), B00 (Toán, Hóa, Sinh), C01 (Toán, Lý, Văn), C02 (Toán, Hóa, Văn) và D07 (Toán, Hóa, Anh).
Ngoài ra, trường dự kiến dùng một số phương thức khác, gồm: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; dựa vào điểm bài thi đánh giá năng lực HSA của Đại học Quốc gia Hà Nội; xét chứng chỉ quốc tế (SAT, A-Level, ACT); kết hợp điểm thi tốt nghiệp và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Chương trình đào tạo Công nghệ bán dẫn của trường Khoa học Tự nhiên được chia làm ba định hướng: Công nghệ chế tạo linh kiện bán dẫn và IC, Công nghệ đóng gói và kiểm thử linh kiện bán dẫn, Công nghệ vật liệu bán dẫn.
Dù lần đầu tuyển sinh, thực tế trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã đào tạo các ngành liên quan bán dẫn hàng chục năm qua. Đây cũng là trường đầu tiên ở Việt Nam có chương trình liên kết quốc tế đào tạo thạc sĩ Công nghệ bán dẫn, từ năm 2019.
Sinh viên tốt nghiệp có cơ hội làm việc tại các công ty hàng đầu về sản xuất chip và linh kiện bán dẫn như Micron, Intel, Foxconn, Samsung Electronics, LG Display, Canon, Nissan hay các tập đoàn công nghệ cao như FPT, Viettel, VNPT.
Sinh viên ngành Vật lý tham quan Phòng sạch, Trung tâm Nano và Năng lượng, khoa Vật lý, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Giang Huy
Theo tính toán của các nhà quản lý, đến năm 2030, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư cho khâu thiết kế và 35.000 nhân lực ở công đoạn sản xuất và đóng gói kiểm tra.
Đứng trước nhu cầu lớn, nhiều đại học dự kiến mở chuyên ngành vi mạch bán dẫn trong năm nay như Đại học Việt Nhật, Sư phạm Hà Nội với chỉ tiêu khoảng 100-120 sinh viên ở mỗi trường.
Dương Tâm
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/to-hop-tuyen-sinh-nganh-cong-nghe-ban-dan-truong-dai-hoc-khoa-hoc-tu-nhien-ha-noi-4875810.html