Ánh nắng mặt trời là nguồn tạo ra vitamin D cho cơ thể, song tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím (UV) có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Cháy nắng
Cháy nắng (bỏng nắng) là tổn thương da phổ biến, xảy ra khi tia UV trực tiếp làm hỏng DNA của các tế bào da, gây ra phản ứng viêm. Các tế bào bị tổn thương chết và bong ra, gây bong tróc da.
Các triệu chứng phổ biến bao gồm da đỏ, nóng, đau, sưng, mệt mỏi. Đau và đỏ có xu hướng đạt đỉnh trong 6-48 giờ đầu tiên. Trường hợp nghiêm trọng có thể bị phát ban, buồn nôn, sốt, chóng mặt, ớn lạnh. Bỏng nắng cấp độ hai nặng hơn, gây phồng rộp, rỉ dịch, mất nước, phù nề hoặc sưng mô, ngất xỉu. Nếu gặp triệu chứng này, hãy liên hệ với bác sĩ.
Bỏng nắng không chỉ xảy ra vào ngày hè nóng bức mà cả khi trời nhiều mây. Lưu ý rằng tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong 15 phút cũng có thể gây ra cháy nắng. Do đó, hãy thoa kem chống nắng hàng ngày và mặc quần áo che kín người khi ra ngoài trời. Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời còn gây ra các vấn đề lâu dài như tổn thương da, lão hóa da sớm, nguy cơ ung thư da.
Cách giảm cháy nắng nhẹ tại nhà bằng cách tắm nước mát, chườm lạnh và dùng kem dưỡng ẩm không kê đơn. Giảm đau bằng cách dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Nếu xuất hiện vết phồng rộp, tránh làm vỡ và để chúng tự lành.
Người đàn ông lau mồ hồi trên trán khi bán hàng rong giữa trời hè nắng nóng tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành
Mất nước
Mất nước xảy ra khi cơ thể mất quá nhiều chất lỏng hoặc chất điện giải, ảnh hưởng đến các chức năng bình thường. Vào những ngày nóng, cơ thể có thể bị mất nước do không hấp thụ đủ lượng chất lỏng so với lượng mất đi.
Hầu hết người khỏe mạnh có thể chịu được mức mất nước 3-4% mà không có triệu chứng. Ở mức trên 5%, tình trạng chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi có thể xảy ra. Khi mất nước quá 10%, các triệu chứng nghiêm trọng có thể xuất hiện như đi tiểu ít, lú lẫn, co giật.
Mất nước nhẹ thường hết khi uống nước hoặc đồ uống thể thao giàu chất điện giải. Cách tốt nhất để tránh tình trạng này là uống nước trước khi khát. Điều này đặc biệt quan trọng cho người ở ngoài nắng trong thời gian dài hoặc phải vận động nhiều.
Hạ natri máu
Ngược lại với mất nước là hạ natri máu. Khi bị mất nước, chất điện giải cũng trở nên mất cân bằng. Hạ natri máu có thể xảy ra khi một người đã bù nước nhưng không thay thế đủ lượng natri đã mất. Các triệu chứng thường gặp như đau đầu, mệt mỏi, lờ đờ, mất cảm giác thèm ăn, cáu gắt, yếu cơ, chuột rút, lú lẫn.
Hạ natri máu nhẹ thường khỏi khi dùng đồ uống thể thao giàu chất điện giải. Trường hợp nghiêm trọng cần được cấp cứu, điều trị bằng dung dịch muối 3% truyền vào tĩnh mạch.
Kiệt sức vì nóng
Mất nước khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc nhiệt độ cao trong thời gian dài có thể gây kiệt sức, dẫn tới nhiệt độ cơ thể tăng trên 37 độ C (nhưng không quá 40 độ C). Tình trạng thường xảy ra vào những ngày nóng ẩm khi vận động quá mức.
Mất nước và béo phì làm tăng đáng kể nguy cơ kiệt sức vì nóng. Các yếu tố khác bao gồm uống rượu, sử dụng caffeine, sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc kháng histamin, thuốc chẹn beta… Trẻ sơ sinh và người già có nguy cơ cao nhất do cơ thể không thích nghi tốt với sự thay đổi nhiệt độ.
Người kiệt sức vì nắng nóng thường bị chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, khát nước, yếu, nhiệt độ cơ thể cao, đổ mồ hôi nhiều, đi tiểu ít, nôn mửa. Khi gặp tình trạng này, hãy đến nơi mát mẻ, cởi bỏ bớt quần áo, hạ nhiệt độ cơ thể bằng quạt hoặc đắp khăn ướt mát lên da, uống nước hoặc đồ uống thể thao. Nếu người bệnh bị chóng mặt, hãy để nằm ngửa và kê cao chân. Nếu các triệu chứng không cải thiện sau 15 phút, hãy gọi cấp cứu. Điều trị không kịp thời có thể dẫn đến say nắng.
Say nắng
Say nắng (sốc nhiệt) là dạng nghiêm trọng nhất của kiệt sức vì nhiệt. Lúc này, nhiệt độ cơ thể vượt quá 40 độ C, có thể gây tử vong. Tử vong do say nắng thường xảy ra khi trẻ nhỏ hoặc người già bị bỏ lại trong ôtô đỗ dưới ánh nắng trực tiếp. Vào ngày nắng nóng, nhiệt độ bên trong ôtô có thể nhanh chóng tăng lên trên 50-60 độ C.
Các triệu chứng của say nắng có thể khác nhau tùy nguyên nhân do vận động quá sức dưới nắng hay do các tình trạng ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể. Ví dụ, đổ mồ hôi là triệu chứng điển hình của say nắng do gắng sức.
Các triệu chứng khác bao gồm thở nhanh, mạch nhanh, yếu, buồn nôn và nôn, lú lẫn hoặc mê sảng, hành vi giống như say rượu, ngất xỉu, mất nhận thức, co giật (nhất là ở trẻ em). Khi tình trạng tiến triển, da có thể đột nhiên chuyển sang màu xanh nhạt do các mạch máu co hẹp, hạn chế lưu thông máu và trao đổi oxy. Nếu không điều trị, say nắng có thể dẫn đến suy nội tạng, tiêu cơ vân, tử vong. Say nắng là trường hợp cấp cứu, cần làm mát cơ thể nhanh chóng, bù nước bằng đường uống và đường tĩnh mạch.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/dieu-gi-xay-ra-voi-suc-khoe-khi-nang-nong-4878193.html