Trả lời:
Huyết áp là chỉ số đo lường áp lực của máu tác động lên thành mạch trong suốt quá trình tim bơm máu đi khắp cơ thể. Khi tim co bóp và tống máu, áp lực lên thành mạch đạt mức cao nhất, gọi là huyết áp tâm thu. Sau đó, khi tim giãn và nhận máu về, áp lực lên thành mạch giảm xuống mức thấp nhất, gọi là huyết áp tâm trương.
Huyết áp trong ngưỡng bình thường khi huyết áp tâm thu 90-139 mmHg và tâm trương 60-89 mmHg. Huyết áp giảm xuống dưới 90/60 mmHg là thấp. Tuy nhiên nhiều trường hợp mức huyết áp nền thường xuyên thấp dưới 90/60 mmHg song không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt hay gặp ở phụ nữ, thường không cần điều trị.
Huyết áp của bạn thường xuyên ở mức 85/55 mmHg, hơi thấp. Nếu không có triệu chứng như hoa mắt, choáng váng hay mệt mỏi, nhiều người vẫn có thể sống khỏe mạnh với mức huyết áp này. Tuy nhiên, do bạn có các biểu hiện bất thường kèm theo nên tới chuyên khoa tim mạch hoặc nội tiết khám để tìm nguyên nhân chính xác. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc để nâng huyết áp hoặc điều trị bệnh nền liên quan.
Huyết áp thấp khiến lượng máu cung cấp cho não và các cơ quan quan trọng không đủ, có thể gây tụt huyết áp tư thế (khi thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng), ngã do choáng, ảnh hưởng đến chức năng tim mạch và thận nếu kéo dài. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân, riêng lẻ hoặc phối hợp gây ra.
Mất nước: Khi cơ thể bị mất nước do tiêu chảy, nôn mửa hoặc không uống đủ nước, thể tích máu giảm dẫn đến huyết áp thấp. Mất nước cũng có thể làm cơ thể mất cân bằng điện giải, ảnh hưởng đến chức năng của tim và mạch máu.
Suy giáp: Tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp) có thể giảm khả năng trao đổi chất của cơ thể, khiến tim không bơm máu hiệu quả, huyết áp giảm.
Thiếu máu: Khi cơ thể thiếu hồng cầu hoặc hemoglobin (do thiếu sắt hoặc các yếu tố dinh dưỡng khác, hoặc mất máu), lượng oxy mang theo trong máu giảm, làm cho cơ thể không đủ năng lượng và huyết áp có thể xuống thấp.
Rối loạn nội tiết: Các vấn đề về tuyến nội tiết như bệnh Addison (tuyến thượng thận không sản xuất đủ hormone) hoặc suy giáp cũng có thể ảnh hưởng đến huyết áp. Các hormone này đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa thể tích máu.
Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc hạ huyết áp hoặc thuốc lợi tiểu, có thể làm giảm thể tích máu hoặc giãn mạch máu, gây huyết áp thấp. Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc này, cần theo dõi huyết áp định kỳ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Các bệnh lý mạn tính: Một số bệnh lý như suy tim có thể làm giảm khả năng bơm máu của tim, dẫn đến huyết áp thấp. Bệnh Parkinson và đái tháo đường cũng có thể gây tổn thương hệ thần kinh tự chủ, giảm khả năng điều chỉnh huyết áp.
Bạn nên uống đủ nước mỗi ngày để duy trì thể tích tuần hoàn và cải thiện lưu lượng máu. Nếu không có chống chỉ định, bạn nên bổ sung đủ muối vì natri giúp huyết áp tăng lên. Chia nhỏ bữa ăn, tránh ăn quá no để hạn chế tụt huyết áp sau ăn. Khi thay đổi tư thế, bạn nên đứng dậy từ từ và có điểm tựa để tránh chóng mặt. Duy trì vận động nhẹ như đi bộ, yoga giúp tăng tuần hoàn và ổn định huyết áp. Nếu bạn đang dùng thuốc điều trị bệnh khác nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm tra và chỉnh thuốc nếu cần.
Người có huyết áp thấp nên theo dõi chỉ số huyết áp đều đặn, nhất là khi có các triệu chứng bất thường. Nếu xuất hiện ngất, đau ngực, khó thở, mạch nhanh hoặc yếu, người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay lập tức.
ThS.BS Đường Thị Thảo
Khoa Tim mạch
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/huyet-ap-nhu-the-nao-la-thap-4876231.html