
Việt Nam đẹp đến ngỡ ngàng
Những ngày qua, một loạt thông tin về “Thám Tử Kiên: Kỳ án không đầu” – bộ phim được trông đợi dịp lễ 30.4 – 1.5 – chính thức được tung ra. Trong tập hậu trường về việc tìm kiếm bối cảnh, diễn viên – nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp mô tả “Thám Tử Kiên: Kỳ án không đầu” là “hành trình xa nhất” mà ekip phim Victor Vũ từng đi.
Sáu tháng tìm kiếm, đi lùng sục bối cảnh từ Tây Bắc đến Đông Bắc để tìm kiếm bối cảnh cổ trang phù hợp,… và nhiều hoạt động khác được thống kê trong tập hậu trường mới đây của bộ phim.
Nhiều địa danh nổi bật như Hồ Bản Cài (Tuyên Quang), thác Cò Là, đồi cỏ Vinh Quý (Cao Bằng),… hiện lên như những bức tranh thủy mặc trong bộ phim lần này của đạo diễn Victor Vũ.
“Núi, sông, hồ, thác ở Việt Nam quá đẹp. Không có gì phải bàn cãi. Nhưng để có một chiếc thác vừa phù hợp với kịch bản: không quá vĩ đại, đủ sự kín đáo cộng với sự thuận lợi để đưa máy móc vào thì thật sự là một bài toán khó.
Đoàn đã phải đi 4 lần, tổng cộng là 20 thác khác nhau và cuối cùng tìm được một chiếc thác hợp lý” – Đinh Ngọc Diệp tường thuật những khó khăn về bối cảnh.

Ngôi làng tuyệt đẹp
Ngoài ra, thị trấn trong “Thám Tử Kiên: Kỳ án không đầu” có cấu trúc rất hợp lý khi nhà quan được xếp ở giữa, phía trước là chợ và có 2 chiếc cầu, rải rác xung quanh là rất nhiều nhà dân.
Đó là một “cơ duyên” khó có thể làm được nếu thực hiện trong một phim trường. Đạo diễn Victor Vũ khẳng định: “Làm phim ở một ngôi làng 200 – 300 năm tuổi mang lại nguồn cảm hứng cho tôi.
Không chỉ người xem, cả diễn viên cũng sẽ có thêm cảm xúc khi sống ở nơi có không khí như vậy. Kinh dị với tôi là đánh vào nỗi sợ cơ bản nhất của con người. Ở phim lần này, đó là không khí ma mị, chết chóc của một ngôi làng”.
Kể về hành trình quay phim, Đinh Ngọc Diệp nói: “Nếu quay ở trong hang, cả ekip phải thức dậy từ 3h sáng, trang điểm khoảng 3 tiếng rồi mới di chuyển được. Ví dụ như đi tới Núi Mắt Thần là phải ngồi xe 45 phút tới điểm tập kết 1, rồi đi bộ chừng 10 phút nữa.
Có những điểm không thể đi xe máy được, ekip cố định là 150 người, người part-time làm việc cho đoàn, quần chúng cũng tới 50-70 người nữa. Nếu đường khó đi quá thì ekip còn phải cào đất, cào đường phẳng để xe 7 chỗ, xe máy cày đi vào để chở thiết bị cả mấy trăm cân vào.
Việt Nam đẹp đến ngỡ ngàng
Xe thồ, xe zip đi đường xóc lắm, mỗi đợt chỉ có thể chở 4,5 người, rất vất vả. Đợt quay tháng 11 đó là đất nứt nẻ, khô cằn, không thể đi nổi. Đặc biệt, chiếc thác nơi có ma da mà trong phim nhắc tới phải đi tới 4 loại phương tiện, sáng đi bus tới điểm 1, rồi đi thuyền/bè tới 45 phút, tới thác Khuổi Nhi, tập kết ở điểm 2, rồi mới đi bộ đến chỗ quay được.
Điện ở đó không có, cả ekip phải dùng đèn dầu hoặc đèn pin sạc để trang điểm, chỗ nghỉ ngơi cho ekip cũng rất hạn chế. Đoàn phải nấu ăn trước từ điểm 1, rồi mang đồ ăn lên chỗ quay hết gần 1 tiếng.
Đó mới là điểm đầu tiên, còn thác cao hơn như trong poster mọi người xem thì phải đi bộ thêm 2km, máy móc mấy trăm cân phải đi bộ hoặc vác bộ, không thể mang dolly (máy quay lên) vì nặng.
Ngoài ra, chỗ làng chài (nơi thầy Tịnh rạch bụng trong trailer) là đảo nhỏ ở cụm Na Hang không có điện, ekip phải câu đường điện bằng nhựa mấy ki-lô-mét, để nó nổi trên mặt sông, dẫn điện ra chỗ quay.
Hoặc chỗ anh diễn viên Quốc Huy cưỡi ngựa, nhìn thì rộng chứ thực tế chiều rộng chỉ 1m, nếu đi không cẩn thận là ngã xuống vực, anh Huy còn sợ độ cao nên rất nguy hiểm.











Những khung hình ăn tiền trong phim Victor Vũ
Nếu đường quá xấu thì mình phải tự làm đường, không có cầu mình tự làm cầu. Chỗ nhà quan có cây cầu, là ekip phim làm rồi để lại cho người dân (làng Khuổi Nhi). Vật chất hay thức ăn uống đều rất cực để mang theo, ekip ngủ trong rừng thì mắc võng la liệt, thời tiết thì giá lạnh. Có thể nói, 40 năm cuộc đời Đinh Ngọc Diệp chưa bao giờ chịu lạnh đến như thế”.
Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/nhung-khung-hinh-du-bao-phim-victor-vu-se-thang-lon-196250419084735594.htm