Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành kế hoạch thực hiện 9 giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải đáp ứng mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam.
Bộ cho biết sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn liên quan đến ôtô điện, xe máy điện và rà soát niên hạn sử dụng đối với ôtô chở người, chở hàng sử dụng điện. Bên cạnh đó, các quy định về trạm dừng trong đó có số lượng vị trí lắp đặt trụ sạc điện, hạ tầng cung cấp điện trong trạm dừng nghỉ sẽ được áp dụng để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp.
Đến năm 2030, toàn bộ xe máy đảm bảo đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu 2,3 lít/100 km; toàn bộ ôtô từ 9 chỗ trở xuống được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới bán ra đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu. Ôtô có dung tích động cơ <1400cc đạt 4,7 lít/100 km; ôtô từ 9 chỗ trở xuống dung tích động cơ 1400-2000cc đạt 5,3 lít/100 km và dung tích động cơ >2000cc đạt 6,4 lít/100 km.
Phương tiện mới áp dụng quy định trên theo lộ trình đạt 30% tổng số phương tiện vào năm 2027, 50% vào năm 2028, 75% vào năm 2029 và 100% vào năm 2030.
Đến năm 2030, tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội là 45%-50%, TP HCM 25%, Đà Nẵng 25%-35%, Cần Thơ 20%, Hải Phòng 10%-15%, đô thị loại I đạt ít nhất 5%.
Các đô thị lớn sẽ đưa các tuyến đường sắt đô thị vào hoạt động, như Hà Nội có đoạn trên cao tuyến số 3 Nhổn – Ga Hà Nội đã hoạt động và toàn tuyến số 3, được hoàn thành và khai thác vào năm 2030. Tại TP HCM, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sẽ được đưa vào vận hành từ quý 4 năm nay.
Giai đoạn 2024-2030, các thành phố lớn tiếp tục phát triển xe buýt CNG (sử dụng khí thiên nhiên) bảo đảm mục tiêu đến 2030, tổng số xe buýt CNG là 623 xe gồm 423 xe tại TP HCM và 200 xe tại Hà Nội.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra các biện pháp chuyển đổi vận tải từ đường bộ sang các phương thức vận tải thân thiện môi trường như đường sắt, đường thủy nội địa và đường ven biển, trong đó có tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, đường thủy.
Bộ cho biết kế hoạch trên nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, giảm 5,9% lượng phát thải so với kịch bản phát triển thông thường. Cụ thể năm 2025 giảm được 3,4 triệu tấn CO2tđ; đến năm 2030 giảm 10,61 triệu tấn CO2tđ; cả giai đoạn 2021-2030 giảm 45,62 triệu tấn CO2tđ.
Với số lượng phương tiện hiện nay và gia tăng hàng năm, ước tính lượng phát thải khí nhà kính được dự báo sẽ tăng trung bình 6-7% mỗi năm, đạt gần 90 triệu tấn CO2tđ vào năm 2030.
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/oto-xe-may-dien-co-the-chiem-30-den-nam-2030-4810563.html