Thắc mắc về liệu pháp tiêm hormone tăng trưởng ở trẻ

Hormone tăng trưởng có tác dụng gì?

BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết một số trẻ em có chiều cao dưới mức chuẩn theo độ tuổi do di truyền, ảnh hưởng của quá trình sinh non. Chiều cao hạn chế cũng có thể là kết quả của tình trạng thiếu hụt hormone tăng trưởng hoặc hội chứng Prader-Willi, Turner, Noonan, thiếu dinh dưỡng, bệnh thận mạn tính, các bệnh về đường tiêu hóa, suy giáp.

Hormone tăng trưởng do tuyến yên sản xuất, thúc đẩy sự tăng trưởng ở trẻ. Liệu pháp hormone tăng trưởng (GH) dành cho trẻ bị thiếu hụt hormone tăng trưởng nghiêm trọng. Trẻ thường được điều trị bằng liệu pháp này trong nhiều năm, thậm chí suốt đời.

Trẻ cao thêm bao nhiêu nhờ tiêm hormone tăng trưởng?

Trẻ thiếu hormone tăng trưởng có tầm vóc thấp bé hơn so với các bạn cùng trang lứa. Nhiều bé chậm phát triển răng, chụp X-quang thường cho thấy xương của trẻ nhỏ hơn tuổi thật. Trẻ gái có thể không phát triển ngực, giọng nói của bé trai có thể không thay đổi cùng tốc độ với bạn cùng trang lứa.

Thành công của liệu pháp GH phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời điểm trẻ bắt đầu điều trị, thời gian kéo dài, tình trạng bệnh lý, tiềm năng chiều cao của trẻ. Không có con số chiều cao tăng trưởng cụ thể cho trẻ thực hiện liệu pháp này.

Trẻ được đo chiều cao, cân nặng đánh giá tăng trưởng. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Sử dụng ở tuổi nào?

Liệu pháp hormone tăng trưởng thường được thực hiện khi có bằng chứng về vấn đề tăng trưởng, thường phát hiện trước tuổi dậy thì, có thể bắt đầu sớm hơn nếu trẻ được chẩn đoán mắc bệnh. Bác sĩ hỏi về sự phát triển của trẻ, lịch sử bệnh lý (nếu có), yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm, X-quang tuổi xương.

Nếu tuổi xương của trẻ nhỏ hơn nhiều so với tuổi thật có thể là dấu hiệu của thiếu hormone tăng trưởng. Hình ảnh chi tiết về não cũng giúp các bác sĩ xem tuyến yên hoặc não có thể gây thiếu hụt GH. Liệu pháp này không cho hiệu quả cao khi trẻ gái khoảng 14 tuổi, trẻ trai khoảng 16 tuổi.

Có an toàn không?

Liệu pháp hormone tăng trưởng được coi là an toàn, hiếm khi gây ra tác dụng phụ nhưng hiệu quả khác nhau ở mỗi người. Một số trường hợp bé có thể đau đầu, sốt thoáng qua, đau khớp, phù nề, vẹo cột sống…

Để phòng ngừa thiếu hụt hormone này, trẻ kết hợp sinh dưỡng khoa học, tập thể dục, nghỉ ngơi đều đặn. Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya là cách giúp cơ thể trẻ tăng tiết hormone tăng trưởng (GH). Phần lớn hormone tăng trưởng được cơ thể giải phóng khi đang ngủ, nhất là khi ngủ sâu. Cha mẹ nên định kỳ đo chiều cao và ghi lại biểu đồ tăng trưởng của bé, có biện pháp can thiệp kịp thời.

Tuệ Diễm

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/thac-mac-ve-lieu-phap-tiem-hormone-tang-truong-o-tre-4910412.html