Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Hội Nhà báo Việt Nam

Ngày 20-4, Đoàn công tác của Hội Nhà báo Việt Nam, do ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, dẫn đầu đã tổ chức chương trình “Về nguồn” tại vùng đất Thái Nguyên lịch sử.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Hội Nhà báo Việt Nam- Ảnh 1.

Đoàn công tác dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Ảnh: Sơn Hải

Sự kiện ý nghĩa diễn ra trong một năm đặc biệt, khi cả nước đang hướng tới hàng loạt kỷ niệm trọng đại: 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và 75 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam.

  • Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM đánh giá cao Đại hội Chi hội Nhà báo Báo Người Lao Động

Trong hành trình về nguồn, Đoàn công tác đã thành kính dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm Người trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên).

Tiếp đó, đoàn đến tham quan Di tích Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tại thôn Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Hội Nhà báo Việt Nam- Ảnh 2.

Đại biểu tham quan tại Di tích lịch sử Quốc gia, nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam

Chính tại mảnh đất này, cách đây tròn 75 năm (21-4-1950), trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn ác liệt, những người làm báo cách mạng đã tập hợp, thống nhất dưới mái nhà Hội Nhà báo Việt Nam.

Sự ra đời của Hội không chỉ đánh dấu bước trưởng thành về mặt tổ chức của giới báo chí mà còn khẳng định vai trò, trách nhiệm ngày càng lớn lao của báo chí trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

75 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trở thành tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp vững mạnh, tập hợp và đoàn kết đội ngũ những người làm báo trên cả nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Hội Nhà báo Việt Nam- Ảnh 3.

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam trao quà cho lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên

Tại chính mảnh đất Điềm Mặc, Đoàn công tác của Hội Nhà báo Việt Nam đã có một hoạt động tri ân đầy ý nghĩa khi trực tiếp trao tặng những phần quà ấm áp đến các gia đình thương binh, liệt sĩ và các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã, thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc và trách nhiệm xã hội của những người làm báo đối với cộng đồng, đặc biệt là những người đã có những đóng góp, hy sinh to lớn vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc.

Cùng ngày, chương trình tiếp tục với hoạt động tham quan khu du lịch Hồ Núi Cốc tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Hội Nhà báo Việt Nam- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam (bên phải), trao quà cho gia đình thương binh, liệt sĩ và các gia đình chính sách xã Điềm Mặc

Sau đó, đoàn đến thăm di tích lịch sử Quốc gia – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (xã Tân Thái), nơi gắn liền với công tác đào tạo báo chí trong thời kỳ kháng chiến, cái nôi đào tạo những thế hệ nhà báo chiến sĩ cách mạng đầu tiên. Tại mái trường này, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đã có bài phát biểu xúc động, tri ân các thế hệ nhà báo tiền bối và khẳng định vai trò, trách nhiệm của người làm báo trong bối cảnh hiện nay.

Ông Lê Quốc Minh đã gợi nhớ về những học viên ưu tú từ khắp mọi miền đất nước, những người mang trong mình “nhiệt huyết tuổi trẻ và lòng yêu nước nồng nàn”, đã trưởng thành từ mái trường đơn sơ này để rồi dùng ngòi bút “viết lên những trang báo thấm mồ hôi và máu xương, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, lừng lẫy năm châu”.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Hội Nhà báo Việt Nam- Ảnh 5.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm

Ông Lê Quốc Minh cũng nêu rõ những thách thức mới mà thế hệ nhà báo đương đại phải đối mặt, không còn là bom đạn chiến tranh mà là “hàng ngàn hàng vạn tin giả, đối mặt với bão thông tin hỗn loạn từ mạng xã hội”. Ông kêu gọi mỗi nhà báo phải trở thành “chiến sĩ biên phòng” trên không gian mạng, bảo vệ độc giả và giữ vững “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” trong kỷ nguyên số.

Thay mặt thế hệ người làm báo hôm nay, ông Lê Quốc Minh đã kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các bậc tiền bối, hứa tiếp nối truyền thống vẻ vang, viết tiếp bản hùng ca báo chí cách mạng bằng ngôn ngữ của thời đại số, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân.

Sáng 21-4, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập và Hội nghị toàn quốc năm 2025. Chiều cùng ngày, diễn ra Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Quyết định số 558 và tổng kết công tác thi đua – khen thưởng năm 2024.

Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/tiep-noi-truyen-thong-ve-vang-cua-hoi-nha-bao-viet-nam-196250420185315228.htm