Ngoài phát triển về hạ tầng giao thông, cải tạo môi trường, thành phố cũng không ngừng quan tâm về đời sống tinh thần của người dân.
Trải dài qua nhiều quận của TP HCM, kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên trước đây là nỗi ám ảnh với nhiều người bởi tình trạng ô nhiễm, ngập nước. Song giờ đây, với dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường, con kênh này đang hứa hẹn mở ra một không gian sống mới.

Sống gần khu vực dự án cải tạo đi qua, chị Huỳnh Thị Hồng Mơ (SN 1983, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) chứng kiến sự đổi thay từng ngày của dòng kênh. Dọc hai bên bờ kênh hiện đã được giải phóng mặt bằng và xây dựng kè bê tông, đường giao thông. Dự kiến sẽ lắp đặt thêm hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng và cây xanh trong thời gian tới.
Chị Mơ cũng như nhiều người dân sống quanh dòng kênh này không khỏi vui mừng khi một tương lai tươi đẹp hơn đang dần hình thành ngay trước mắt. “Trước đây người dân xả rác bừa bãi nên kênh rất mất vệ sinh. Lâu dần có mùi hôi thối rất khó chịu, trời mưa thì gây ngập, ảnh hưởng cuộc sống rất nhiều. Chỉ mong rằng dự án sẽ sớm hoàn thành theo kế hoạch để người dân có môi trường sống tốt hơn. Mỗi người dân cũng cần tự ý thức để bảo vệ, duy trì sự trong lành của con kênh trong tương lai” – chị Mơ bày tỏ.



Dọc hai bên bờ kênh hiện đã được giải phóng mặt bằng và xây dựng kè bê tông.
Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên đã khởi công năm 2023, gồm 10 gói thầu xây lắp. Hiện nay, cả 10 gói thầu đang được thi công đồng loạt, tiến độ chung đạt 46,5% và dự kiến hoàn thành năm 2026.

Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM, mục tiêu của dự án là thoát nước, chống ngập và giải quyết ô nhiễm, kết nối hạ tầng giao thông. Đây là dự án hạ tầng mang tính chất phục vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; đồng thời làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố trong tương lai. Trong quá trình thực hiện, dự án đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân trong khu vực.

Ngoài ra, một số dự án chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường có quy mô lớn khác đã được UBND TP HCM giao nhiệm vụ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2026-2030 gồm:
-Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Văn Thánh, rạch Cầu Suối, rạch Bà Lớn, rạch Bàu Trâu (đoạn từ kênh Tân Hóa đến kênh Hiệp Tân), quận 6 và quận Tân Phú; trục thoát nước Thủ Đào, quận 8, huyện Bình Chánh; trục thoát nước rạch Ông Bé, quận 8, huyện Bình Chánh; trục thoát nước rạch Thầy Tiêu, quận 7;
-Dự án cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực Song Tân, phường Tân kiểng, quận 7;
-Xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải khu vực Tây thành phố; -Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát (Giai đoạn 2);
-Nhà máy xử lý nước thải Tân Hóa – Lò Gốm; -Xây dựng trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2;
-Đề án Phát triển đô thị thích ứng và cải thiện môi trường khu vực TP Thủ Đức.




Một số dự án chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường có quy mô lớn
Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM, các dự án trên đều rất thiết thực với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường, cải tạo hệ thống thoát nước, thu gom nước thải, kết nối giao thông… Qua đó, góp phần tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đem lại hiệu quả về an sinh xã hội, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng cho khu vực và cả thành phố.

Ngoài nỗ lực cải tạo môi trường để tạo không gian sống tốt, thành phố cũng ghi dấu với những dự án lớn về giao thông đô thị, nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân. Trong đó, nổi bật là dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên).
Người dân TP HCM xúc động đi thử nghiệm Metro số 1
Sau thời gian dài thi công, chạy thử và vận hành, tuyến Metro đầu tiên của TP HCM đã chính thức khánh thành vào tháng 3-2025. Sự kiện đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, góp phần lớn vào việc thay đổi diện mạo giao thông đô thị của TP HCM.




Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên).
Tuyến Metro số 1 có chiều dài gần 20 km, với 14 nhà ga (gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao). Sự xuất hiện của phương tiện giao thông công cộng hiện đại này đã góp phần đáng kể trong việc rút ngắn thời gian di chuyển của người dân TP HCM.
Metro số 1 chạy chính thức
Từ khi có tuyến Metro số 1, anh Thái Văn Chiến (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) trở thành khách hàng thân thuộc của phương tiện giao thông này. Mỗi ngày, anh Chiến mất chưa đầy 30 phút để di chuyển vào trung tâm TP làm việc. “Tôi rất hài lòng với tuyến Metro, cảm giác việc tham gia giao thông thuận tiện hơn rất nhiều, hạn chế được cảnh chen chúc kẹt xe hay thời tiết bất lợi” – anh Chiến bày tỏ.

TP HCM cũng vừa khánh thành nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm và các dự án lớn trên địa chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025), bao gồm: khánh thành nhà ga T3 (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất); đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, quận Tân Bình; thông xe kỹ thuật đường cao tốc Bến Lức – Long Thành; khởi công Dự án Vành đai 2 (gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật và rà phá bom mìn); khởi công dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ…
VIDEO: Khởi công dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ




Khởi công dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Không chỉ chú trọng về hạ tầng giao thông, môi trường, TP HCM cũng tập trung phục vụ đời sống tinh thần của người dân. Trong đó, nổi bật là việc đẩy mạnh xây dựng Không gian văn hoá Hồ Chí Minh ở từng cơ sở, địa phương để làm một địa chỉ sinh hoạt, học tập cho người dân TP.
Đến nay, TP có gần 5.000 mô hình Không gian văn hoá Hồ Chí Minh, trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều tầng lớp nhân dân đến tham quan, học tập theo gương Bác Hồ.
Từ một khu đất công bỏ trống bị chiếm dụng làm nơi buôn bán, vừa qua, xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn) đã quyết tâm chuyển đổi xây dựng nơi đây thành Không gian văn hoá Hồ Chí Minh với sự đồng lòng, chung sức của nhân dân địa phương.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn), cho biết đây là công trình Không gian văn hoá Hồ Chí Minh đầu tiên của xã, đồng thời là công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025) và Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030.

Không gian văn hoá Hồ Chí Minh xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn)

Nghe tin nơi mình sống vừa khánh thành Không gian văn hoá Hồ Chí Minh, bà Trịnh Thị Kim Thoa (ấp 18, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) không khỏi vui mừng, tự hào. Có mặt cùng với những người dân địa phương tại đây, bà Thoa hào hứng tham quan từng ngóc ngách, đọc kỹ từng mẩu chuyện về Bác.
“Việc học tập theo tấm gương của Bác Hồ là việc mà mỗi người dân địa phương chúng tôi đều làm mỗi ngày và luôn tự nhắc nhở nhau. Nay địa phương xây dựng được một nơi để sinh hoạt tinh thần như thế này, tôi thật sự rất hài lòng, cảm kích. Hình ảnh của Bác sẽ sống mãi trong lòng nhân dân” – bà Thoa chia sẻ.




Bà con ấp 18, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn không khỏi vui mừng, tự hào khi có Không gian văn hoá Hồ Chí Minh
Cũng như bà Thoa, với sự quan tâm sâu sắc này, nhiều người dân tại xã Tân Thới Nhì nói riêng và TP HCM đều bày tỏ tự hào khi có chỗ dựa tinh thần vững chắc, để từ đó thêm yêu mảnh đất nơi mình sinh sống, quyết tâm cống hiến dựng xây thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.
Nội dung: NGỌC LÝ
Hình ảnh: THANH LONG – DUY PHÚ
Trình bày: THANH LONG
Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/tp-hcm-thanh-pho-vi-nhan-dan-hoan-thien-ha-tang-vun-dap-tinh-than-196250421011844715.htm