Trào ngược mật

Mật là dịch tiêu hóa do gan sản xuất và được lưu trữ trong túi mật. Trào ngược mật xảy ra khi mật trào ngược vào dạ dày, ống nối miệng dạ dày (thực quản). Trào ngược dịch mật có thể đi kèm với trào ngược axit dạ dày, dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) gây kích ứng và viêm mô thực quản.

Triệu chứng

Trào ngược dịch mật có thể khó phân biệt với trào ngược axit dạ dày. Các triệu chứng tương tự nhau và hai tình trạng này có thể xảy ra cùng lúc.

  • Đau bụng trên.
  • Ợ nóng thường xuyên, cảm giác nóng rát ở ngực đôi khi lan đến cổ họng, kèm theo vị chua trong miệng.
  • Buồn nôn.
  • Nôn ra chất lỏng màu vàng xanh (mật).
  • Ho hoặc khàn giọng.
  • Giảm cân không mong muốn.

Phân loại

  • Trào ngược mật vào dạ dày: Mật và thức ăn hòa quyện trong tá tràng và đi vào ruột non. Van môn vị (vòng cơ dày nằm ở đầu ra của dạ dày) thường chỉ mở đủ để giải phóng khoảng 3,75 ml hoặc ít hơn thức ăn dạng lỏng mỗi lần. Trong trường hợp trào ngược mật, van không đóng đúng cách khiến mật trào ngược trở lại dạ dày, dẫn đến viêm niêm mạc dạ dày (viêm dạ dày trào ngược mật).
  • Trào ngược mật vào thực quản: Mật và axit dạ dày có thể trào ngược lên thực quản khi cơ thắt thực quản dưới hoạt động không bình thường. Cơ thắt thực quản dưới ngăn cách thực quản và dạ dày. Cơ này thường mở đủ lâu để thức ăn đi vào dạ dày. Tuy nhiên, nếu cơ thắt thực quả dưới yếu hoặc giãn bất thường, mật có thể trào ngược trở lại thực quản.

Nguyên nhân

  • Biến chứng phẫu thuật gồm phẫu thuật dạ dày bao gồm cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần dạ dày, phẫu thuật cắt dạ dày để giảm cân.
  • Loét dạ dày tá tràng có thể làm tắc van môn vị khiến van không thể đóng mở đúng cách. Thức ăn ứ đọng trong dạ dày làm tăng áp lực dạ dày, khiến mật và axit dạ dày trào ngược lên thực quản.
  • Phẫu thuật túi mật khiến cơ quan này không hoạt động bình thường như trước, làm tăng nguy cơ trào ngược mật.

Biến chứng

Sự kết hợp giữa trào ngược dịch mật và trào ngược axit làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng như sau:

  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) gây kích ứng và viêm thực quản, thường là do axit dư thừa, nhưng mật cũng có thể bị trộn lẫn với axit.
  • Bệnh barrett thực quản có thể xảy ra khi tiếp xúc lâu dài với axit dạ dày hoặc mật, làm tổn thương mô ở phần dưới thực quản. Các tế bào thực quản bị tổn thương có nguy cơ cao phát triển thành ung thư.
  • Ung thư thực quản viêm dạ dày do trào ngược dịch mật có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Anh Chi (Theo Mayo Clinic)

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/suc-khoe/cam-nang/trao-nguoc-mat-351