Trọn nghĩa vẹn tình với người có công

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025), TP HCM không chỉ tổ chức các hoạt động lớn về chính trị – văn hóa mà còn dốc lòng dốc sức cho một hành trình nghĩa tình: Chăm lo chu đáo người có công với cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sĩ và những người đã trực tiếp làm nên mùa Xuân lịch sử năm 1975.

Hiện thực hóa lòng tri ân

50 năm kể từ ngày non sông thu về một mối, TP HCM – thành phố anh hùng mang tên Bác – luôn khắc ghi những hy sinh lớn lao của bao lớp người đi trước. Mỗi công trình chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ, mỗi căn nhà tình nghĩa được xây mới, sửa chữa hay cả những tấm di ảnh được phục dựng từ ký ức… đều là cách TP HCM lặng lẽ mà kiên định gìn giữ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”.

Với tinh thần tri ân sâu sắc và trách nhiệm cao nhất, UBND TP HCM đã trình HĐND TP HCM ban hành các nghị quyết quan trọng nhằm hỗ trợ các lực lượng trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cũng như thực hiện chính sách tặng quà cho người có công trong dịp lễ trọng đại này.

Thành phố đang tiếp tục rà soát, cập nhật danh sách các đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ quà tặng theo Nghị quyết 11 ngày 20-2-2025 của HĐND TP HCM, bảo đảm không bỏ sót bất kỳ ai có công với cách mạng.

Sở Nội vụ TP HCM cho biết tính đến ngày 31-3-2025, thành phố đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 342/346 căn nhà tình nghĩa cho người có công, thân nhân liệt sĩ (xây mới 9 căn, sửa 333 căn), với tổng kinh phí hơn 18,3 tỉ đồng. 4 căn còn lại đang hoàn tất tại Cần Giờ và quận 1, dự kiến hoàn thành trước ngày 30-4-2025.

Trọn nghĩa vẹn tình với người có công- Ảnh 1.

Lãnh đạo TP HCM và quận 11 tri ân các cá nhân tiêu biểu tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 trên địa bàn quận. Ảnh: THIỆN AN

Song song đó, TP HCM đã hoàn thành 288/323 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn – một phần trong chính sách an sinh xã hội đồng bộ, hướng đến mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Công tác chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, đền thờ, nhà bia ghi tên liệt sĩ cũng được TP HCM chú trọng. Đến cuối tháng 3-2025, TP HCM đã hoàn thành 88/98 công trình với tổng kinh phí hơn 258 tỉ đồng. Các công trình còn lại đang gấp rút hoàn thiện đúng tiến độ, bảo đảm khang trang, tôn nghiêm.

Những công trình này không chỉ là nơi ghi danh mà còn là biểu tượng sống động của truyền thống đền ơn đáp nghĩa, nơi thế hệ trẻ tìm về để vun bồi tinh thần yêu nước, sống có lý tưởng. Một trong những hoạt động đầy ý nghĩa nhân văn của TP HCM là phục dựng kỹ thuật số chân dung liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng theo yêu cầu của thân nhân, giúp nhiều gia đình có thể “gặp lại” người thân yêu của mình – dù chỉ là trên tấm ảnh.

Gìn giữ những giá trị nhân văn sâu sắc

TP HCM đã tổ chức hàng loạt chương trình “về nguồn” đầy cảm xúc dành cho người có công, tiêu biểu như: “Thăm Côn Đảo anh hùng”, “Thăm chiến trường xưa”, “Về thăm quê Bác”, “Về thăm Lăng Bác”… Đây không chỉ là những chuyến đi mà còn là hành trình của niềm tin, lòng biết ơn và sự gắn kết từ thế hệ hôm nay với những người đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của đất nước, dân tộc.

Ngoài ra, TP HCM còn tổ chức họp mặt người có công tiêu biểu vào tháng 7-2025, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27-7. Đây là dịp để lãnh đạo TP HCM trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe và tri ân những người đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập dân tộc. Cùng với đó, TP HCM chủ động phối hợp đón tiếp các đoàn cán bộ, chiến sĩ, những người từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước…

Những việc làm cụ thể, thiết thực trong việc chăm lo người có công, Mẹ Việt Nam anh hùng và các chính sách an sinh xã hội đã thể hiện rõ nét tinh thần nghĩa tình, trách nhiệm của TP HCM – một thành phố luôn tiên phong không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn trong gìn giữ những giá trị nhân văn sâu sắc. 50 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP HCM tiếp tục thực hiện hành trình tri ân bằng nhiều hành động, bằng cả trái tim. 

Truyền thông mạnh mẽ

Không chỉ thể hiện qua các hoạt động hay công trình, TP HCM còn đẩy mạnh truyền thông về các chính sách an sinh, đền ơn đáp nghĩa. 10 chuyên đề về chính sách người có công, 1 chương trình nghệ thuật “Đền ơn đáp nghĩa”, cùng hàng loạt bộ phim về công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội… đã được xây dựng và phát sóng, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Văn phòng UBND TP HCM đã giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả công tác truyền thông. Sở Nội vụ cũng đã phát động chiến dịch truyền thông đến các cơ quan báo chí và tiểu ban tuyên truyền, bảo đảm thông tin đến được với từng người dân.

Giải quyết kịp thời chế độ, chính sách

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phan Kiều Thanh Hương cho biết TP HCM đã đạt được nhiều thành quả nổi bật trong phong trào đền ơn đáp nghĩa. Trong đó, 100% người có công và thân nhân được giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách.

Hằng năm, vào ngày Thương binh – Liệt sĩ 27-7 và Tết Nguyên đán, TP HCM luôn dành hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng thăm hỏi, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công. Trong năm 2024, TP HCM đã vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền hơn 24,6 tỉ đồng.

Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/tron-nghia-ven-tinh-voi-nguoi-co-cong-196250424213001798.htm