VĐV Việt Nam kiếm tiền từ thương hiệu cá nhân: ‘Đào vàng’ từ mạng xã hội

Theo một thống kê của Influencer Marketing Hub thực hiện hồi tháng 3.2025, Cristiano Ronaldo là VĐV kiếm tiền nhiều nhất từ mạng xã hội. Với danh tiếng, tầm ảnh hưởng cùng 660 triệu người theo dõi trên Instagram, anh kiếm được hơn 3,2 triệu USD/bài đăng từ nền tảng này. Với 506 triệu người theo dõi trên Instagram, Messi cũng kiếm được gần 2,6 triệu USD/bài đăng…

VĐV Việt Nam kiếm tiền từ thương hiệu cá nhân: 'Đào vàng' từ mạng xã hội- Ảnh 1.

Cầu thủ Quang Hải quảng cáo cho một tựa game di động

ẢNH: FBNV

Ở VN, không ít VĐV đã và đang kiếm được tiền từ mạng xã hội. Người hâm mộ luôn tò mò về cuộc sống đời thường của các VĐV thần tượng. Vì thế, những dạng video gần gũi như “Một ngày tập luyện của VĐV”, “VĐV làm gì trong ngày nghỉ”, “Hành trang khi thi đấu nước ngoài của VĐV có gì?”… rất được yêu thích và đưa VĐV đến gần người hâm mộ hơn. Từ đó, VĐV tạo ra một lượng người theo dõi nhất định, dẫn tới được các nhãn hàng săn đón. VĐV có thể được “book” quảng cáo cho mỗi bài đăng trên trang cá nhân hoặc trở thành đại sứ thương hiệu cho nhãn hàng.

Theo khảo sát của Báo Thanh Niên, một VĐV tâng bóng nghệ thuật ở VN từng kiếm được khá nhiều tiền trong một chiến dịch quảng cáo của hãng dép nổi tiếng. Một số VĐV đình đám bỏ túi hàng tỉ đồng mỗi năm khi ký hợp đồng đại sứ độc quyền. Nhiều cầu thủ nổi tiếng còn là gương mặt đại diện của nhiều thương hiệu khác nhau (không cùng ngành hàng). Ví dụ, Quang Hải có hợp đồng với các thương hiệu xe, dầu nhớt, điện tử, nhựa kiến trúc… Văn Hậu cũng được các nhãn hàng săn đón kể cả khi anh đang không thi đấu vì chưa khỏi hoàn toàn chấn thương.

Ngoài ra, VĐV còn nhiều hình thức kiếm tiền khác. Đầu tiên có thể kể đến là tham dự sự kiện. Việc mời VĐV nổi tiếng tham dự và sử dụng hình ảnh của VĐV đó để làm công tác truyền thông trên mạng xã hội là cách thức marketing hiệu quả. Với những VĐV hoạt ngôn, vui vẻ, họ có thể bán hàng trực tiếp, livestream hoặc review sản phẩm… Họ được trả thù lao cố định cho mỗi lần xuất hiện và trả thêm hoa hồng cho mỗi sản phẩm được bán ra. Không ít VĐV có thu nhập tốt khi bán các mặt hàng liên quan đến thể thao như quần áo, giày, thực phẩm bổ sung…

Trong nhiều chiến dịch quảng bá gần đây, các thương hiệu còn ưa chuộng mô hình “co-branding”, nơi VĐV tham gia thiết kế sản phẩm mang tính cá nhân hóa (áo tập, giày chạy…). Những dòng sản phẩm giới hạn (limited edition) này vừa mang tính độc quyền, vừa tăng độ gắn kết giữa VĐV và người hâm mộ. Ví dụ, Kamito kết hợp với tay vợt Lý Hoàng Nam cho ra mắt dòng vợt pickleball Kamito Alpha. Sắp tới, nhãn hàng này làm điều tương tự với một tay vợt đình đám khác là Trịnh Linh Giang, với dòng vợt mang tên Gamma.

Nếu phát triển kênh YouTube, VĐV còn có thể kiếm tiền từ riêng nền tảng này. Theo chuyên trang thống kê Socialblade, kênh Hoàng Đức Official ước tính thu về 2.500 USD mỗi năm. Con số này còn khá khiêm tốn do Hoàng Đức mới “xây kênh” từ tháng 2.2025 và có hơn 15.000 người theo dõi.

LÀM GÌ ĐỂ “ĐÀO VÀNG”?

Việc kiếm tiền từ mạng xã hội với các VĐV giờ đây không còn là chuyện may rủi hay làm theo cảm hứng. Những người nghiêm túc theo đuổi hướng đi này đều có chiến lược bài bản, từ xác định nhóm đối tượng khán giả đến lên kế hoạch nội dung, thời điểm đăng bài và định hướng phong cách cá nhân.

Một số VĐV như Lê Đức Phát (cầu lông) hay Trần Đảng (điền kinh) dù không thi đấu trong môn “hot” như bóng đá nhưng vẫn tạo được sự yêu mến từ cộng đồng mạng nhờ duy trì nội dung tập luyện, thi đấu, kết hợp chia sẻ những khoảnh khắc đời thường chân thật. Sự đồng cảm, gần gũi chính là chìa khóa để họ thu hút lượng lớn người theo dõi, từ đó trở thành lựa chọn của nhiều nhãn hàng hướng đến phong cách khỏe mạnh, bền bỉ và truyền cảm hứng.

Về bản chất, các nhãn hàng không chỉ trả tiền để VĐV đăng bài, mà là để “mua” một hình ảnh, một giá trị mà VĐV đó đại diện. Chẳng hạn, khi tiền đạo Nguyễn Tiến Linh tham gia quảng bá cho thương hiệu xe điện, người hâm mộ không chỉ thấy một gương mặt quen thuộc, mà còn cảm nhận được sự tin cậy, gần gũi và lối sống thân thiện môi trường mà anh đang hướng tới. Việc chọn gương mặt quảng cáo giờ đây là một bài toán truyền thông, không còn đơn thuần là chọn người nổi tiếng. Hãng xe điện trên lý giải: “Tiến Linh được biết đến với tinh thần kiên trì và khát khao vươn xa trong thể thao, là lý do để chúng tôi lựa chọn trở thành biểu tượng cho các tính năng di chuyển thông minh”.

VĐV cũng ngày càng có ý thức hơn trong việc chọn lựa hợp đồng, tránh làm ảnh hưởng đến hình ảnh bản thân. Nhiều người chia sẻ họ từng từ chối những hợp đồng có thù lao cao nhưng không phù hợp với giá trị bản thân hoặc thông điệp mình đang xây dựng. Điều này cho thấy tính chuyên nghiệp và dài hạn trong tư duy của thế hệ VĐV mới.

“CHĂM SÓC” NGƯỜI HÂM MỘ

Đằng sau sự thành công trên mạng xã hội của một VĐV luôn có bóng dáng của cộng đồng người hâm mộ trung thành. Đây là lực lượng sẵn sàng tương tác, chia sẻ và lan tỏa thông điệp, góp phần trực tiếp vào hiệu quả quảng cáo. Một bài đăng của Nguyễn Thị Ánh Viên dù chỉ là khoảnh khắc tập luyện, nhưng với vài trăm nghìn tài khoản theo dõi, hàng chục nghìn lượt thích và bình luận, giá trị truyền thông tạo ra là rất lớn.

Chính vì thế, nhiều VĐV đầu tư rất nghiêm túc cho việc duy trì kết nối với fan: trả lời bình luận, tham gia minigame, tổ chức các hình thức tương tác dưới dạng Q&A (fan hỏi, VĐV trả lời) hoặc thậm chí tự quay vlog để chia sẻ hành trình thi đấu. Những điều tưởng như nhỏ bé đó lại là “nút giữ chân” giúp VĐV tạo nên cộng đồng của riêng mình, nơi có thể trở thành bệ phóng lớn cho các hoạt động hợp tác thương mại. (còn tiếp) 

Nguồn bài viết : https://thanhnien.vn/vdv-viet-nam-kiem-tien-tu-thuong-hieu-ca-nhan-dao-vang-tu-mang-xa-hoi-185250714221718835.htm