Vì sao viêm tai giữa gây thủng nhĩ?

Trả lời:

Tai được chia thành ba phần chính gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài gồm vành tai và ống tai ngoài, có chức năng thu nhận âm thanh. Tai giữa gồm màng nhĩ, hòm nhĩ, chuỗi xương con và vòi nhĩ, có nhiệm vụ truyền các rung động từ màng nhĩ đến tai trong thông qua chuỗi xương con. Tai trong là phần trong cùng, chứa ốc tai, ống bán khuyên, tiền đình, có chức năng chuyển đổi các rung động âm thanh nhận được từ tai giữa thành xung động thần kinh truyền về não, giữ thăng bằng cho cơ thể.

Viêm tai giữa là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở vùng tai giữa, được chia thành cấp tính và mạn tính. Viêm tai giữa cấp thường diễn tiến nhanh (dưới ba tuần) gây đau tai, sốt và chảy dịch tai.

Thủng màng nhĩ là một trong những biến chứng thường gặp của viêm tai giữa cấp. Khi bị viêm, niêm mạc tai giữa tiết ra dịch viêm và mủ. Thông thường dịch này theo lỗ vòi nhĩ (vòi Eustachian) chảy xuống mũi họng, nhưng viêm làm lỗ vòi nhĩ tắc nghẽn, khiến dịch không thể ra ngoài mà ứ đọng lại trong hòm nhĩ. Dịch mủ trong hòm nhĩ tích tụ ngày càng nhiều tạo ra áp lực lớn gây căng phồng màng nhĩ, dẫn đến thủng nhĩ nếu không được điều trị kịp thời.

Viêm tai giữa tái phát nhiều lần, lỗ thủng trên màng nhĩ sẽ khó lành và có thể lan rộng. Lỗ thủng màng nhĩ càng lớn càng dễ bị viêm tai giữa mạn mủ (viêm tai giữa thủng nhĩ, chảy dịch). Người bệnh viêm tai giữa mạn mủ thường không sốt, không đau tai nhưng bị thủng màng nhĩ, chảy dịch hoặc chảy mủ tai kéo dài, ù tai và nghe kém.

Bác sĩ Trâm nội soi tai cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Nếu màng nhĩ thủng lâu lâu không lành, kèm theo chảy dịch tai, nghe kém và có nguy cơ biến chứng, người bệnh cần đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Phẫu thuật vá màng nhĩ có nhiều phương pháp khác nhau tùy thuộc vào vị trí và kích thước lỗ thủng cũng như tình trạng viêm tai giữa. Bác sĩ phẫu thuật lựa chọn phương pháp phù hợp để điều trị cho người bệnh. Bạn nên đến khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để được khám kiểm tra tình trạng tai, đo thính lực và được bác sĩ tư vấn hướng điều trị phù hợp.

BS.CKI Phạm Huỳnh Bích Trâm
Đơn vị Tai Mũi Họng
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/vi-sao-viem-tai-giua-gay-thung-nhi-4876903.html